Tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, UBTVQH đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.
Liên quan đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước, UBTVQH đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng.
Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn thực hiện.
UBTVQH cũng đã chỉnh lý Điều 30 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ những nội dung và hình thức để công dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; bổ sung quy định về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để cụ thể hóa quyền kiểm tra, giám sát của người dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định về nội dung, hình thức công khai thông tin, tham gia ý kiến tại cơ quan, đơn vị phù hợp với thực tiễn áp dụng và loại trừ các nội dung, thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật; quy định về những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định...
Dự thảo Luật cũng đã quy định khuyến khích các tổ chức có sử dụng lao động mở rộng nội dung thông tin được công khai; bổ sung đa dạng các hình thức công khai thông tin; quy định cụ thể về thời gian tổ chức và thành phần tham dự hội nghị người lao động.
Đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát để lấy kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp là người dân ở các địa bàn dân cư, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cũng như các chuyên gia nhà khoa học để giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Theo đại biểu, đây là một cách làm mới phù hợp với tính chất đặc thù của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu cũng bày tỏ tán thành với các nội dung người lao động biết, người lao động bàn, người lao động làm, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát và người lao động thụ hưởng. Bởi, theo đại biểu, ở mỗi một vai trò khác nhau, người dân, người lao động đều có thể thực hiện dân chủ một cách đồng bộ, thống nhất với những cơ chế đảm bảo được quy định rõ ràng trong luật này hoặc pháp luật khác có liên quan. Từ đó, phát huy một bước tích cực, sâu rộng quyền làm chủ của người dân.
Đại biểu cũng thống nhất luật này cần điều chỉnh vấn đề thực hiện dân chủ ở cả ba loại hình cơ sở là ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và ở các doanh nghiệp, hợp tác xã có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mọi người dân, mọi đối tượng thực hiện quyền làm chủ của mình một cách rộng rãi và trực tiếp nhất.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị quy định cụ thể về phương thức kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân để thuận tiện trong quá trình áp dụng và thống nhất trong quá trình hoạt động. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo xem xét , bổ sung một số hình thức kiểm tra, giám sát thông qua mạng xã hội... để bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã, phường và thôn, tổ dân phố. “Ngoài Zalo, Facebook cũng còn nhiều mạng xã hội khác mà chúng ta có thể cân nhắc, xem xét nhằm mở rộng hình thức công khai dân chủ cơ sở thông qua các ứng dụng thông tin trong nước do nhà nước cung cấp và quản lý theo quy định của pháp luật”, đại biểu nói.
Đánh giá cao quy định về hình thức, nội dung giám sát, việc xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân cũng như trách nhiệm trong việc bảo đảm để nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, để nhân dân kiểm tra được, cần có cơ chế cụ thể và cách thức tiến hành phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp. |
“Nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện kiểm tra, giám sát thì sẽ cơ bản thiếu đi một khâu ở giữa, là mắt xích để thực hiện đầy đủ các nội dung hình thức như dự thảo quy định. Nếu không có hướng dẫn cũng sẽ khó thực hiện trong thực tiễn hoặc thực hiện theo cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất, đồng bộ. Như vậy, rất dễ dẫn đến chung chung, hình thức”, đại biểu phân tích và đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị bổ sung chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, trách nhiệm với nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, nhất là các ý kiến sau kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. “Bên cạnh đó, cũng cần chế tài cụ thể đối với người dân, người lao động cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước”, đại biểu đề nghị.
Trong phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh ngoài Nhà nước.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dự thảo luật được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản là thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” để bảo đảm tính bao quát, thụ hưởng của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội.