Sau gần 50 năm mang họ của chồng, bà Kyoko Tsukamoto, 75 tuổi đang chuẩn bị cho vụ kiện chính phủ Nhật Bản ra toà với mục đích ít nhất bà có thể mang họ của chính mình khi chết.
Ở Nhật, khi lấy chồng, người phụ nữ mang tên của chồng để làm các thủ tục hành chính, tư pháp.
Theo Luật Dân sự Nhật Bản, khi lấy chồng, bà buộc phải dùng tên của chồng trong các thủ tục hành chính, tư pháp.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng tôi có thể quen với việc sử dụng tên của chồng tôi. Nhưng tôi đã không thể, một cảm giác mất mát cứ lớn dần trong tôi… Chồng tôi và tôi vẫn yêu nhau nhưng việc này với việc tôi muốn lấy lại tên mình là hai chuyện hoàn toàn khác nhau… Bây giờ tôi đã 75 tuổi và bị sốc khi nhận ra rằng tôi không thể làm những gì tôi vẫn làm năm ngoái. Đó là việc tôi nghĩ rằng tôi là Kyoko Tsukamoto và tôi muốn chết cùng với cái tên Kyoko Tsukamoto”.
Cuộc tranh luận về tên họ trở nên căng thẳng hơn khi ngày càng có nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết hôn và sử dụng hai tên cùng một lúc, tên thời con gái tại nơi làm việc và tên của chồng trên các giấy tờ hành chính.
Bà Tsukamoto là một trong năm người đang lên kế hoạch kiện Chính chủ và nhà chức trách địa phương vào đầu tháng hai tới, cho rằng Luật Dân Sự đòi hỏi các cặp vợ chồng chỉ được sử dụng một họ khi đăng kí kết hôn là vi phạm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, cũng như quyền cá nhân. Đàn ông cũng có thể dùng họ của vợ, nhưng điều đó hiếm khi xảy ra.
Khi Đảng Dân Chủ Nhật Bản lên nắm quyền vào năm 2009, người ta đã từng hi vọng rằng một Dự luật Dân Sự sửa đổi sẽ được đưa ra, trong đó cho phép các cặp vợ chồng được giữ lại tên riêng khi kết hôn nếu muốn. Nhưng hi vọng này đã không thành hiện thực.
Ở Nhật, quan niệm truyền thống về gia đình hết sức ngặt nghèo. Trước đây, người ta quan niệm rằng sản nghiệp và tên họ chỉ được truyền lại cho những người đàn ông trong gia đình. Một số người cho rằng quan niệm đó đã lỗi thời.
Nhiều trường hợp, các cặp vợ chồng sau khi hết hôn lại li hôn để người phụ nữ lấy lại tên của mình và để cho con cái họ không bị đăng kí là con ngoài giá thú bởi Luật Dân Sự hạn chế quyền thừa kế của những đứa trẻ đó. Một số chuyên gia về gia đình lo ngại rằng việc tranh cãi về tên họ này có thể khiến tỉ lệ li hôn tăng lên, ảnh hưởng đến sự thống nhất trong gia đình và tâm lí con trẻ.
Bà Tsukamoto, kết hôn với chồng bà từ năm 1960, và li hôn năm 1965. Họ tái hôn khi có với nhau đứa con chung thứ ba, nhưng chồng bà không đồng ý li hôn lần hai. Bà bắt đầu nghiên cứu các vấn đề về phụ nữ từ năm 63 tuổi và trở thành một nhà hoạt động vì nữ quyền năng nổ. Bà tin tưởng ở quyết định lần này của mình.
Vân Anh (theo Telegraph)