Ngày 18/7, TAND TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) sẽ xét xử sơ thẩm (lần 2) 2 vụ án “Cố ý gây thương tích” mà nạn nhân trong vụ án này chính là bị cáo trong vụ án kia và ngược lại.
Như PLVN đã phản ánh, vụ án “2 trong 1” này xuất phát từ chuyện xô xát, cãi nhau giữa 2 nhà hàng xóm tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên. Nếu như hành vi đánh người của nam bị cáo đã rõ thì nữ bị cáo trong vụ án còn lại đang có dấu hiệu bị oan sai vì chứng cứ kết tội hết sức mâu thuẫn.
2 bản án bị huỷ cùng lý do
Chiều tối 26/6/2009, giữa gia đình chị Phùng Thị Hưởng (ở xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) và gia đình hàng xóm là chị Vũ Thị Thu Hà đã xảy ra xô xát, cãi nhau từ việc đỗ xe ôtô. Kết cục, chị Hưởng cùng chồng là Nguyễn Viết Quang phải đi cấp cứu. Phía bên kia, Trần Đăng Trung Kiên (cháu chị Hà) cũng phải vào viện.
Bị cáo Kiên (người đứng) và bị hại Hưởng (người ngồi) tại phiên toà sơ thẩm. |
Kết quả điều tra cho thấy, Kiên là người đánh chị Hưởng, gây tổn hại 36% sức khỏe. Nhưng ngoài việc thừa nhận đã đánh chị Hưởng, Kiên còn nại ra rằng, mình đã bị chị Hưởng đánh trước với thương tích 5% sức khỏe. Từ lời khai này, Kiên được thay đổi Quyết định truy tố sang tội nhẹ hơn (từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kịch động mạnh”).
Theo CQĐT, yếu tố làm Kiên bị “kích động mạnh” là việc chị Hưởng “dùng gậy sắt (có hành vấu chữ U) đập vào đầu Kiên”. Song song với việc chuyển tội danh cho Kiên, CQĐT đã khởi tố chị Hưởng về tội “Cố ý gây thương tích” và tách thành một vụ án khác.
Tại hai bản án sơ thẩm của TAND TP.Hưng Yên, Kiên bị phạt 28 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; Hưởng bị phạt 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” (cả 2 đều được hưởng án treo). Nhưng cả hai bản án này đều bị hủy vì không đủ chứng cứ cho rằng chị Hưởng đã đánh Kiên. Còn hành vi đánh người của Kiên đã “rõ như ban ngày” nhưng HĐXX không có căn cứ để coi Kiên phạm tội do bị “kích động mạnh”.
Kết quả “điều tra bổ sung” ra sao?
Tại bản án phúc thẩm, HĐXX đã chỉ rất rõ những thiếu sót trong quá trình điều tra trước đây là: “Các chứng cứ có nhiều mâu thuẫn; việc xác định ai gây thương tích cho bị cáo Kiên, bị cáo Kiên bị thương trước hay sau khi bị Hưởng gây thương tích có ý nghĩa rất quan trọng nhưng CQĐT không cho đối chất, không tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ...”.
Ngoài việc chỉ ra vi phạm tố tụng khi điều tra vụ án, hai bản án đều nhấn mạnh đến những chứng cứ thể hiện sự vô tội của bị cáo Hưởng như: Không xác định rõ vật chứng được cho là công cụ phạm tội; giữa những lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt mâu thuẫn ngay trong lời khai của chính họ.
Đơn cử, nhân chứng Cương (chú của Kiên) và Hợp khai tại CQĐT rằng “không nhìn thấy Kiên bị đánh ra sao” hoặc “không biết vì sao Kiên bị thương”. Nhân chứng Ba khai “lúc đánh Hưởng, Kiên vẫn chưa bị thương”. Bản thân bố của Kiên từng khai rằng “Kiên bị đánh khi vào can ngăn giữa anh Cương và anh Quang” (chứ không phải giữa anh Cương và Hưởng như quy kết trong cáo trạng)...
6 tháng kể từ khi án sơ thẩm bị hủy, VKSND TP.Hưng Yên lần lượt ra 2 bản cáo trạng mới truy tố bị cáo Kiên và Hưởng mà nội dung không khác nhiều so với 2 bản cáo trạng cũ - tức là mâu thuẫn trong chứng cứ kết tội Hưởng vẫn chưa được làm rõ. Điểm khác đáng kể nhất là tình tiết, “bà Nguyễn Thị Dần đã giằng được tuýp sắt (đầu có 2 vấu hình chữ U) từ tay Hưởng và đưa cho chị Loan cất đi, không cho hai bên đánh nhau”.
Sau đó mới xảy ra việc “Hưởng dùng tuýp sắt (đầu có 2 vấu hình chữ U) đập thằng vào đầu Kiên, khiến Kiên vỡ đầu, máu chảy đầy mặt”. Như vậy, vụ án lại xuất hiện mâu thuẫn mới, Hưởng đã bị giằng mất tuýp sắt thì lấy tuýp sắt ở đâu ra mà “đập thẳng vào đầu Kiên”?.
Trước đây, CQĐT và VKSND TP.Hưng Yên cứ khăng khăng rằng “tuýp sắt” mà chị Hà giao nộp “phù hợp với vết thương của Kiên”, “là hung khí mà Hưởng đã dùng để đánh Kiên”. Nhưng tới nay, khi đã có chứng cứ thể hiện việc Hưởng bị tước mất tuýp sắt này từ trước khi Kiên bị thương thì CQĐT lại “xoay” rằng, “đây không phải là vật chứng của vụ án”. Hung khí được coi là Hưởng đã sử dụng thì... “không thu hồi được, không xác định người cất giấu”! Vậy, CQĐT căn cứ vào đâu để có thể kết luận, vết thương trên đầu Kiên là do Hưởng gây ra?
Một chi tiết “gọt chân cho vừa giầy” nữa là việc CQĐT kết luận, “khi anh Cương đang rửa vết thương tại cửa hàng thì nghe mọi người kêu “nó đánh chết thằng Kiên rồi”. Như vậy, có thể hiểu lúc Kiên bị đánh thì Kiên và anh Cương không đứng gần nhau. Nhưng CQĐT và VKS vẫn cáo buộc rằng, “Hưởng “đập” Kiên khi Kiên đang kéo vai (tức đứng cạnh) anh Cương”. Không biết tại phiên toà tới đây, Kiểm sát viên sẽ lý giải ra sao về những chi tiết vô lý trên?.
Hoài Tuấn