6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung mới quan trọng, tạo cơ sở đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế này trong thời gian tới.
Toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và các Kế hoạch, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật khác. Các mô hình mới, cách làm mới hiệu quả về PBGDPL, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai dưới nhiều hoạt động phong phú, phát huy được hiệu quả trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội Tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc thi do tổ chức trong 30 ngày (từ 00h00 ngày 01/4/2021 đến 24h00 ngày 30/4/2021). Cuộc thi đã thu hút 3.800.000 lượt truy cập vào Website của Cuộc thi, đã thu hút 801.678 lượt dự thi của 643.688 người tham gia dự thi; tổ chức triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới theo hình thức trực tuyến; tiếp tục thực hiện PBGDPL qua facebook, trang fanpage, youtube, zalo; mở/duy trì chuyên mục pháp luật trên Báo điện tử; tiếp tục xây dựng, duy trì Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai dưới nhiều hoạt động phong phú.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm thực hiện. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp các địa phương đã chủ động tham mưu đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong các văn bản, kế hoạch công tác PBGDPL năm 2021. Qua báo cáo của địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, đến nay có 88,18% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số địa phương có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nam).
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, công tác PBGDPL ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa có trọng tâm, trọng điểm, việc triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019- 2021" ở một số Bộ, ngành địa phương chưa đảm bảo tiến độ đề ra; kinh phí, các điều kiện bảo đảm triển klhai PBGDPL còn hạn chế…
Thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021, các hoạt động hưởng ứng được triển khai có điểm nhấn, trọng tâm và phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"