Nhiều năm không có lối ra, công nghiệp ô tô Việt Nam đang dần rời xa thực tiễn, dường như chỉ còn là những câu chuyện trên giấy của những nhà hoạch định chính sách…
Kêu gọi doanh nghiệp ô tô nội địa hóa với nhiều ưu đãi tường chừng hấp dẫn thế nhưng lại khống chế quy mô thị trường đầu ra, rốt cuộc không mấy ai dám bỏ tiền đầu tư, hoặc trót đã đầu tư thì đành “rẽ ngang”.
Ngày càng ít DN muốn sản xuất, lắp ráp mà chuyển sang thương mại dịch vụ thuần túy. |
Cả năm chỉ đi kiểm định
Từng là một doanh nghiệp lắp ráp ô tô với số lượng lớn ở khu vực phía Bắc, giờ đây, cùng với bối cảnh kinh tế khó khăn, sản lượng lắp ráp của Công ty Trường Giang cũng đã sụt giảm trông thấy. Nhà xưởng nhộn nhịp trước đây giờ đa phần để khung sườn máy móc. Xe lắp ráp xong để đầy sân, khác hẳn với cảnh khách xếp hàng nườm nượp xong xe nào đưa đi luôn xe đó vài năm về trước.
Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, giám đốc DN cho biết, đang có ý định bỏ xưởng để nhập xe về, chỉ làm “dịch vụ” trung gian thôi, an toàn hơn nhiều mà đỡ phiền phức.
Vị này bày tỏ, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, ông đã liên kết với một số nhà sản xuất lốp, lập xưởng gò thùng… và nhiều công đoạn khác để tăng tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô. Tuy nhiên, một bộ phận quan trọng nhất của xe là hệ thống máy vẫn phải nhập khẩu.
“Mỗi năm nhập bao nhiêu lô máy. Lúc này, khi sản lượng bán hàng giảm đi, chúng tôi không chỉ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ ngày một lớn khi hàng hóa tồn kho không tiêu thụ được, mà còn thấm thía sự phiền toái khi thực hiện quy định mỗi năm phải đem đi kiểm máy một lần. Công ty có hàng chục lô máy nhập về rải rác trong năm, và cứ thế cả năm chúng tôi chỉ có đi kiểm máy – không chỉ tốn thời gian, mà cả công sức, tiền bạc”, Giám đốc công ty cho biết.
Không chỉ thế, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, công ty này còn đầu tư một dây chuyền sơn – điều mà không nhiều các doanh nghiệp ô tô Việt Nam dám “chơi” do độ tốn kém của nó, bởi nếu đã vận hành thì phải chạy liên tục. Nhưng, khi sản lượng giảm, các doanh nghiệp khác cũng chung hoàn cảnh khó khăn… thì việc vận hành dây chuyền này là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
“Giờ thì chúng tôi bỏ cả ý định lắp ráp xe 5 chỗ, bởi ngay cả chọn dòng xe chiến lược thì các quan chức và nhà hoạch định chính sách còn bàn thảo mất mấy năm trời chưa ra, trong khi thị trường thay đổi hàng ngày, các mẫu xe ngày càng phong phú, giá cả ngày càng rẻ”, đại diện DN nói.
Chính sách rối như cạnh hẹ
Theo nhận định của các chuyên gia, ngay trong quy hoạch đã có những chính sách hết sức mâu thuẫn. Chẳng hạn muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp ôtô nhưng lại giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để ban hành những loại phí nhằm hạn chế việc mua sắm và lưu hành ô tô du lịch cá nhân trong điều kiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng số lượng xe.
Thực tế cho thấy, các chính sách được ban hành trong thời gian qua nhắm vào hạn chế mua sắm xe chứ không phải lưu hành xe.
Thuế phí đánh vào ôtô đã liên tục thay đổi và tăng cao, tới hàng chục loại thuế phí khác nhau, chiếm quá nửa chi phí mua xe, khiến cho người dân ngày càng khó khăn khi muốn mua ô tô.
“Thị trường ô tô thế giới cho thấy, tiêu thụ xe cá nhân chính là động lực thúc đẩy nền công nghiệp ô tô phát triển”, ông Đặng Thành, một người hoạt động trong ngành kinnh doanh ô tô, chia sẻ. “Quy đinh hạn chế tiêu thụ xe ô tô cá nhân đã góp phần quan trọng dẫn đến quy mô ngành công nghiệp ô tô Việt Nam quá nhỏ bé, sản lượng không đáng kể, thị trường bị bóp chết và không thể đẩy mạnh nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp ô tô...”.
Cái gọi là “dòng xe chiến lược” có thể coi là ví dụ cụ thể nhất cho vòng luẩn quẩn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Sau nhiều năm theo đuổi việc lựa chọn dòng xe chiến lược, Bộ Công Thương đưa ra quan điểm, “dòng xe chiến lược được xây dựng trên các tiêu chí như tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 4, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, người tiêu dùng và nhà sản xuất”...
Một yếu tố khác để công nghiệp ô tô có thể phát triển là công nghiệp hỗ trợ. Nhưng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện cũng lâm vào thế bế tắc, mà nguyên nhân cơ bản cũng bởi vì thị trường không đủ lớn…
Bách Linh