Còn nhiều bất cập, vướng mắc
Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản căn cứ vào các tiêu chí như: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS); thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá; có tên trong danh sách tổ chức đấu giá được Bộ Tư pháp công bố; các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản quyết định.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn tình trạng người có tài sản đấu giá khi lựa chọn TCĐGTS đã đưa ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch, nhiều tiêu chí thiếu tính khả thi, không bám sát tính chất, đặc thù của tài sản, chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản. Thậm chí, có TCĐGTS còn “mời chào” với tiêu chí không thu thù lao dịch vụ... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của việc đấu giá mà còn tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đơn cử, tại phiên bán đấu giá cây cao su thanh lý đợt 1 để tái canh năm 2019 của Công ty TNHH MTV Cao su D. T, các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được đưa ra rất chung chung, hầu như tổ chức nào cũng đáp ứng được. Sau đó, tổ chức đấu giá tài sản chào phí thù lao thấp nhất (0 đồng + 0,7% giá bán vượt) đã được lựa chọn. Với giá khởi điểm của tài sản là 66 tỷ đồng, kết quả bán đấu giá chỉ chênh 50 triệu đồng so với giá khởi điểm. Hiệu quả sau đấu giá thấp, thù lao của tổ chức đấu giá tài sản được nhận về chỉ là 350 nghìn đồng, không đủ bù đắp chi phí thực hiện đấu giá. Thực tế cũng ghi nhận nhiều cuộc bán đấu giá có mức thù lao thực hiện đấu giá tài sản chỉ 1 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí; hiệu quả sau bán đấu giá không cao như kỳ vọng.
Hạn chế tối đa tình trạng “sân sau”
Để xây dựng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm được sự công khai, minh bạch giữa những tổ chức tổ chức mới được thành lập và những tổ chức đã hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định trường hợp tổ chức đấu giá tài sản không được đăng ký tham gia trong trường hợp người có tài sản là người có liên quan với tổ chức đấu giá tài sản đó theo quy định của pháp luật doanh nghiệp để đảm bảo tính khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “sân sau” trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Dự thảo Thông tư cũng quy định sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản việc lựa chọn tổ chức đấu giá trong thời gian ít nhất là 3 ngày làm việc trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản mà người có tài sản phải công khai, căn cứ vào giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá. Cụ thể, đối với tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm từ 1 tỷ đồng trở lên, người có tài sản phải đưa ra tất cả các tiêu chí thuộc 4 nhóm tiêu chí: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tổ chức cuộc đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá; thù lao, dịch vụ đấu giá và chi phí đấu giá tài sản. Người có tài sản đấu giá chỉ được xem xét, quyết định đối với nhóm tiêu chí khác trên cơ sở theo loại tài sản đấu giá, tình hình vụ việc tổ chức đấu giá tài sản.
Đối với tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm dưới 1 tỷ đồng, người có tài sản phải đưa ra tất cả các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả và năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản. Các tiêu chí thuộc nhóm về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản và nhóm tiêu chí khác do người có tài sản xem xét, quyết định căn cứ vào tính chất tài sản đấu giá và thực tiễn vụ việc đấu giá cụ thể.
Đặc biệt, để tránh sự tùy tiện trong quá trình áp dụng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã ban hành, dự thảo Thông tư quy định rõ người có tài sản không được quy định thêm các tiêu chí khác ngoài 4 nhóm tiêu chí và các tiêu chí thành phần cụ thể đã được quy định.