Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, trưa nay, ông có nhận được một số nhắn tin của cử tri sau tranh luận của Đại biểu Phạm Hồng Phong buổi sáng.
Theo ông Nghĩa, Đại biểu Phong nói đúng khi Việt Nam không có cơ chế tam quyền phân lập nhưng chính vì thế, Quốc hội được lập ra là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước để kiểm soát các nhánh quyền lực. Để cử tri có quyền giám sát thì Quốc hội lập ra Kiểm toán Nhà nước, VKSNDTC…
Do đó, chuyện các Đại biểu Quốc hội phát biểu về việc này vừa là trách nhiệm vừa đi đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Quốc hội giám sát hành pháp và tư pháp là làm đúng chức năng, nhiệm vụ.
Đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng lập luận, Luật hiện hành quy định VKSND có quyền kiểm sát tư pháp ở cấp cao nhất là sau khi có bản án giám đốc thẩm. Khi đó VKSNDTC, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội có quyền giám sát.
Không tán thành quan điểm của Đại biểu Phong về việc các thế lực thù địch có thể lợi dụng chuyện vụ án Hồ Duy Hải để chống phá, ông Nghĩa trích lại lời căn dặn của Bác Hồ: Có những cán bộ tưởng rằng công khai khuyết điểm của mình sẽ khiến kẻ thù có thể lợi dụng, làm mình suy yếu.
“Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Một khi phạm khuyết điểm mà muốn bưng bít thì người ta cũng vẫn biết”, ông Nghĩa quả quyết và dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư “không phải cứ đỏ mà tưởng là chín đâu” để cảnh báo.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cũng tranh luận với Đại biểu Phong. Theo ông, mỗi đại biểu Quốc hội cần làm tròn trách nhiệm đại diện cho quyền của người dân nên không thể vô cảm với người dân, thấy sai không phản ánh.
Ý kiến của đại biểu Phong vô hình trung cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội khác là nói dựa theo báo chí, dư luận, gây phương hại đến tư cách, uy tín của đại biểu Quốc hội.
Ông cũng lập luận, diễn đàn Quốc hội là diễn đàn của nhân dân, mà đại biểu Quốc hội là người đại diện. Ông Thắng bày tỏ sự chia sẻ với Đại biểu Phong là cán bộ, là đại diện của ngành Tòa án nhưng như vậy càng cần lắng nghe một cách cầu thị.
“Tôi chắc chắn ngành Tòa án không thể không có sai lầm khuyến điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Tôi không khẳng định việc xử án như vậy là đúng hay sai mà đó là lời cảnh báo là cần phải xem xét lại. Vụ án này đã giám sát suốt 2 nhiệm kỳ nên có cơ sở để đề nghị xem xét như vậy”, Đại biểu Thắng nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi xét xử, Hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ, kiểm tra chứng cứ, qua các lời khai và tranh tụng tại phiên tòa mới đưa ra phán quyết đúng đắn của hội đồng phán xử.
“Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, một vài bình luận của báo để đưa ra những quyết định, tôi nghĩ đây là thiếu cơ sở”, ông Phong nói và cho hay hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác.
Ông Phạm Hồng Phong cũng cho rằng, việc chỉ đưa ra hiện tượng cá biệt đánh giá bản chất của một nền tư pháp là chưa đúng.
“Tôi chia sẻ mất mát gia đình nhưng không nên gây bức xúc mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc mà thiếu suy nghĩ chính chắn, mà phải tiếp tục thực hiện các bước còn lại của pháp luật quy định”, Đại biểu Phạm Hồng Phong nói thêm.