“Đội ngũ công chứng viên tuy đông nhưng chất lượng chưa đồng đều dẫn đến việc công chứng trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan mà nguyên nhân quan trọng là do sự chưa hoàn thiện của các quy định pháp luật về công chứng”, đây là một trong những vấn đề khiến nhiều chuyên gia pháp lý và công chứng viên (CCV) trăn trở.
Toàn cảnh hội thảo |
Miễn đào tạo sẽ có những CCV không đạt yêu cầu
Tính đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã thành lập phòng công chứng, 59/63 tỉnh, thành phố có văn phòng công chứng (các tỉnh còn lại là Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang), nâng tổng số tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước lên con số 628, gồm 138 phòng công chứng và 490 văn phòng công chứng, với 1.133 công chứng viên được bổ nhiệm (tính đến hết tháng 10/2012) với gần 2/3 số công chứng viên đang hành nghề trong các văn phòng công chứng... |
Qua kiểm tra, thanh tra trên địa bàn TP.HCM, có nhiều thiếu sót từ các CCV xuất thân từ luật sư.
Theo báo cáo của các tổ chức hành nghề ở TP.HCM thì có hơn 50% CCV được miễn đào tạo không làm việc nên đại diện Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định “không nhất trí cho miễn đào tạo nghề CC vì không yên tâm ngay cả những luật sư chuyển sang hành nghề công chứng. Nếu miễn đào tạo hành nghề công chứng sẽ mất 1 luật sư giỏi nhưng sẽ có 1 CCV không đạt yêu cầu”.
Từ kinh nghiệm tại CHLB Đức, ông Richard Bock (Hiệp hội Công chứng CHLB Đức) cũng không nhất trí với việc miễn đào tạo hành nghề CC vì “để làm công chứng trong điều kiện phát triển như hiện nay luôn cần 1 luật gia hiểu biết toàn diện”. Ở Đức trong số 100 người thi tốt nghiệp Luật thì chỉ 2-3 người tốt nghiệp xuất sắc mới có khả năng được bổ nhiệm làm CCV và phải đi thực tế 2-3 năm.
Nhưng Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Văn Huyên chỉ “phản đối” miễn đào tạo cho đối tượng là điều tra viên vì điều tra viên chủ yếu “nắm” về pháp luật hình sự, trong khi CC đòi hỏi hiểu biết toàn diện, nhất là về pháp luật dân sự.
Giảm thời gian tập sự để sớm “khai thác” khả năng của CCV
Tìm định hướng để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hiện hành là nội dung của hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức sáng qua (21/11) tại Hà Nội. Các vấn đề được tập trung là điều kiện CCV, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, tổ chức xã hội - nghề nghiệp CCV... và một số vấn đề khác. |
CCV Đào Nguyên Khải (Phó Chủ tịch Hội CC TP.Hà Nội) cho rằng, những người đã có thâm niên công tác pháp luật hoặc có học vị cao nếu chưa từng trải qua công tác CC có thể sẽ bỡ ngỡ với nghề nghiệp. Nên dù các đối tượng này được miễn đào tạo thì nhiều chuyên gia vẫn đề nghị “không được miễn tập sự hành nghề”.
Theo ông Huyên, giảm thời gian tập sự phải tương xứng với thực tiễn hoạt động của những người được đào tạo là CCV. Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CC qui định, tất cả mọi đối tượng muốn được bổ nhiệm CCV đều phải tập sự hành nghề nhưng có một số đối tượng được giảm thời gian tập sự.
Dự kiến, mức giảm cụ thể là giảm 1/2 thời gian tập sự cho những người được miễn đào tạo nghề công chứng và giảm 1/3 thời gian tập sự cho người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Toà án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ 10 năm trở lên.
“Quy định này nhằm tạo điều kiện cho những người đã có trình độ và kinh nghiệm pháp luật có thể nhanh chóng bắt đầu hành nghề mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào của đội ngũ CCV” – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết.
Công chứng viên quá 70 tuổi bị miễn nhiệm
Từ thực tế nhiều CCV khi được bổ nhiệm đã ở tuổi có thể phải ở bệnh viện nhiều hơn ở văn phòng, không phát huy được hiệu quả công việc, các CCV và chuyên gia pháp luật nhận thấy như vậy chỉ biến “nghề công chứng thành “cái sọt” với nhiều người đã không còn khả năng làm việc”, đồng thời không tương xứng với trách nhiệm pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín của nghề này.
Ông Nguyễn Văn Huyên nhấn mạnh, “không nên so sánh với luật sư vì CCV kém minh mẫn khó công chứng đảm bảo nên cần qui định độ tuổi”. Vì thế, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất có “mức trần” về độ tuổi của CCV theo hướng người quá 65 tuổi không được bổ nhiệm CCV và công chứng viên quá tuổi 70 sẽ bị miễn nhiệm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính: “Trong 5 năm qua, hoạt động công chứng trên thực tế đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của người dân, giúp ngăn ngừa rủi ro, giảm thiểu các tranh chấp pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, do còn nhiều tồn tại, hạn chế và trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng theo xu hướng xã hội hoá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng năm 2006 là rất cần thiết”. |
Huy Anh