Hôm qua – 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 Luật và 2 Nghị quyết được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.
13 Luật bao gồm Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam (đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Hai Nghị quyết là Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển, đảo
Nói về sự cần thiết của việc thông qua Luật Biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Nước ta là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200km, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay nước ta chưa có một đạo luật tổng quát về biển, mới chỉ có một số văn bản đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan.
Được thông qua với 99,8% số phiếu tán thành, Luật Biển Việt Nam có 7 chương và 55 điều. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Luật cũng quy định hoạt động trong các vùng biển Việt Nam như việc đi qua không gây hại, hoạt động của tàu thuyền trong các vùng biển của nước ta, gìn giữ bảo vệ tài nguyên môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển…
Với Luật Biển Việt Nam, “lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta” – Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Được nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày
Giới thiệu về Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: So với Bộ luật hiện hành, Bộ luật sửa đổi tăng thêm 23 điều cùng rất nhiều điểm mới. Bộ luật sửa đổi đã tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch lên 5 ngày (hiện hành là 4 ngày) và người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Về tuổi đời hưởng lương hưu, vẫn là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nhưng người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm theo quy định của Chính phủ
Một điểm mới đáng chú ý khác là Bộ luật sửa đổi đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác đối với lao động nữ. Đặc biệt, tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, song lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Hoàng Thư