Trong tài phán, nếu vụ việc giống nhau thì phán quyết cũng phải như nhau vì nguyên tắc phán xử là luật pháp hiện hành và án tại hồ sơ chứ không phải cảm tính của cơ quan tố tụng hay nhân thân của các bên liên quan. Lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tiễn tư pháp ở nước Đức không phải luôn như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Guttenberg trả lời chất vấn trước Quốc hội Đức về vụ sao chép. |
Như trong vụ việc sao chép bài viết và công trình nghiên cứu của kẻ khác trong luận văn tiến sỹ của đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl Theodor zu Guttenberg và Andreas Kasper, một chính trị gia trẻ tuổi cùng phe phái chính trị với vị Bộ trưởng.
Chuyện như thế này: Cả hai đều bị phát giác và chứng minh là đã sao nguyên bản chính _ ngôn từ hiện đại gọi là Copy-Paste, công trình nghiên cứu và bài viết đã được công bố của nhiều người khác đưa vào luận văn tiến sỹ của mình.
Ông Kasper sao chép 11 đoạn, ông Guttenberg những hơn 200 đoạn. Cả hai đều được coi là những ngôi sao đang thăng thiên trong đảng phái chính trị của họ và trên chính trường nước Đức. Cả hai đều bị trường đại học của họ tước học hàm tiến sỹ. Điều khác nhau là trong khi ông Guttenberg không bị sao thì ông Kasper bị tòa án truy tố, đưa ra xét xử, bị phạt 9000 euro, bị mất hết chức vụ trong đảng và công ăn việc làm đang đảm nhận. Ông Kasper bị tòa khép vào tội chủ ý gian lận trong nghiên cứu khoa học và vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, mức độ vi phạm trên phương diện này của ông Guttenberg còn gấp gần 20 lần, tang chứng vật chứng rành rành và thiên hạ trên khắc thế giới có thể trực tiếp so sánh và đánh giá trên mạng Internet. Vậy mà ông Guttenberg chỉ bị chất vấn trong quốc hội, tỏ ra ăn năn hối hận, chứ còn ngoài ra đâu vẫn hoàn đấy.
Cho nên câu hỏi được dư luận đặt ra là công bằng dành cho ai đây. Ông Guttenberg là một thành viên quan trọng trong chính phủ Đức. Vì vị bộ trưởng này rất được công chúng mến mộ trong khi uy tín của chính phủ giảm sút nên vô hình chung đã trở thành một trong những mỏ neo ngăn cản đà suy giảm uy tín cho chính phủ. Cả về chức quyền lẫn mức độ nổi tiếng, ông Guttenberg đều bỏ xa, thậm chí rất xa, ông Kasper.
Rõ ràng trong trường hợp ông Guttenberg các cơ quan tư pháp ở Đức không muốn làm trái ý chính phủ và các đảng phái cầm quyền. Thế cho nên ở Đức mới có câu: Tất cả đều bình đẳng, nhưng có kẻ được bình đẳng hơn. Phương Tây vẫn thường rùm beng quảng bá cho thiết chế “tam quyền phân lập”, nhưng qua vụ việc này đủ thấy nói như thế nhưng đâu có phải làm theo thế.
Mạc Thầy