Cơn khát ở những hòn đảo du lịch phía Nam

Hồ nước trên huyện đảo Lý Sơn đã cạn. (Ảnh: Quốc Triều)
Hồ nước trên huyện đảo Lý Sơn đã cạn. (Ảnh: Quốc Triều)
(PLVN) - “Công nghiệp không khói” đã làm thay đổi diện mạo các đảo du lịch ở miền Trung và vùng biển Tây Nam Bộ, với những khoản thu ngân sách tăng đều mỗi năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng đang ngày một gia tăng áp lực lên các đảo, trong đó có vấn đề nước ngọt phục vụ sinh hoạt, mùa vụ và dịch vụ du lịch.

Đảo du lịch hút khách

Với vị trí đắc địa cùng diện tích lên tới 570km2, biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xem là thiên đường của du lịch nghỉ dưỡng. Hòn đảo có tới 150km bờ biển với nhiều bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, nước biển rất ấm, có thể tắm được vào ban đêm.

Nếu như năm 2000 trở về trước, Phú Quốc còn hoang vu ít người biết tới thì đến tháng 7/2011 đã có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn lên tới 48.087 tỉ đồng. 

Từ năm 2005, nhiều cánh rừng ở Phú Quốc đã bị triệt hạ, phục vụ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Rừng, núi bị người dân và các nhà đầu tư xâm lấn để xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch...

Tính đến cuối năm 2017, Phú Quốc có trên 220 dự án đầu tư, phát triển du lịch, chiếm 80% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang, giá trị trên 220.000 tỉ đồng. 

Để phát triển Phú Quốc hơn nữa, Kiên Giang đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Phú Quốc sẽ phát triển khoảng 2.400ha đất đô thị, quy mô dân số 300.000 người. Trong đó, 3 đô thị lớn gồm Dương Đông, An Thới và Cửa Cạn cùng với 5 khu nghỉ dưỡng sinh thái, định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm cỡ quốc tế.

Cũng tại Kiên Giang, với những bãi biển có bãi cát mịn màng hay san hô muôn màu sắc, quần đảo Nam Du được ví là “thiên đường Maldives của Việt Nam”. Nam Du có hai xã An Sơn và Nam Du với 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 hòn đảo có cư dân sinh sống. Ngoài những hòn đông dân cư như hòn Củ Tron, hòn Ngang và hòn Mấu, còn lại là những hòn đảo mang vẻ hoang sơ, có hòn chỉ vài chục hộ dân sinh sống như: hòn Nồm, hòn Dầu, hòn Đụng…

Đảo lớn nhất ở quần đảo này là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn (còn gọi là hòn Củ Tron) diện tích 771ha, dân số gần 5.000 người. Trù phú nhất xã Nam Du là hòn Ngang với gần 1.000 hộ dân, kinh tế nơi đây chủ yếu là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, phong trào nuôi cá lồng bè cũng đang được phát triển mạnh, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch. 

Ở miền Trung, Cù Lao Chàm luôn là một điểm đảo thu hút du khách du lịch. Cao điểm, hè năm 2019, có ngày hơn 5.500 lượt khách “đổ bộ” lên đảo này. Khách du lịch đến đây năm sau cao hơn năm trước, với khoảng trên dưới nửa triệu người/năm. Như vậy, với khoảng 2.400 người dân trên đảo Cù Lao Chàm thì mỗi năm một người dân đón trung bình khoảng 175 khách du lịch. Khách du lịch gia tăng đã tạo áp lực gay gắt lên tài nguyên và môi trường của Cù Lao Chàm, nhất là nguồn nước ngọt.

Nhằm hạn chế khách ra Cù Lao Chàm, từ năm 2015 TP Hội An (Quảng Nam) đã ban hành một số quy định như “Cấm quay đầu” đối với các DN vận chuyển khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, khống chế lượng khách ra đảo mỗi ngày 3.000 người. Đồng thời tăng phí tham quan đảo từ 30 lên 70 nghìn đồng. Tuy nhiên, áp lực từ du lịch lên đảo không vì thế mà giảm đi.

Tương tự, đảo Lý Sơn cũng là địa điểm ưa thích của du khách mỗi khi đến Quảng Ngãi. Năm 2019, Lý Sơn đã đón trên 265.000 lượt du khách, với doanh thu 317 tỷ đồng...

Mùa khô, người dân và du khách đều “khát”

Mùa khô năm nay, trong khi một số nơi trên đất liền đang khô khát nhiều tháng qua thì vấn đề thiếu nước ngọt tại các đảo du lịch càng trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân trên các hòn đảo.

Du khách lên đảo Cù Lao Chàm
Du khách lên đảo Cù Lao Chàm

Tại Cù Lao Chàm có 40 homestay, một số cơ quan hành chính như BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp, một khu chợ tập trung. Tất cả đều sử dụng chung nguồn nước từ hồ Bãi Bìm. Vì thế, năm nào địa phương cũng đối diện với tình trạng thiếu nước, nhưng đây là lần đầu tiên căng thẳng nhất trong nhiều năm qua. Hiện bể chứa phục vụ nước sinh hoạt cho cả xã đảo ở Bãi Bìm có dung tích 80 ngàn m3 đã cạn khô và không thể cung cấp một giọt nước nào. Để có nước sinh hoạt, mỗi ngày, người dân xã đảo Tân Hiệp phải chạy xe máy lên khe suối để tìm nước.

Tại Lý Sơn, do đặc điểm không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hầu hết hoạt động sinh hoạt, sản xuất của khoảng 22.000 người dân trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm khai thác từ hơn 2 ngàn giếng nước nơi đây. Nóng hạn cũng đồng nghĩa các giếng nước khô cạn hoặc nhiễm mặn.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm ở đảo này tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, kết quả đo cuối năm 2017, mực nước tụt 5m so với năm 2012. Riêng năm 2018, mực nước tụt nhiều hơn 1m do nhu cầu dùng tăng cao mà nguồn nước mưa rất ít. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng gây nhiễm mặn tầng chứa nước. 

Tại thôn Đông, xã An Vĩnh, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu khoảng 300 - 500m so với mép nước biển; ở thôn Tây, xã An Vĩnh vào sâu 100-200m; các thôn Đông, Tây, xã An Hải cũng bị xâm nhập mặn vào sâu 50-100m. Đảo Bé (xã An Bình) là một trong những nơi thiếu nước ngọt trầm trọng nhất của Lý Sơn. Năm năm trở lại đây, người dân phải sang đảo Lớn mua nước về dùng. Có thời điểm giá lên tới 200 nghìn đồng/m3, bà con chỉ dành nấu ăn, còn tắm giặt phải chấp nhận dùng nước nhiễm mặn.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sinh hoạt thì mùa khô còn là thời điểm nông dân Lý Sơn xuống giống hai vụ hành. Vụ đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 6, vụ thứ hai bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc vào tháng 8. Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mùa nắng nóng. 

Trên đảo Phú Quốc trước có 3 dòng sông (10km), 5 dòng chảy dạng suối, nhưng nay 3 dòng sông có dấu hiệu ô nhiễm, hầu hết 5 dòng suối đều không còn nước vào mùa khô. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhất là những đợt hạn hán gay gắt kéo dài diễn ra phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống của hệ sinh thái ở nhiều điểm đảo như Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương… (thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang), cụm đảo hòn Khoai (thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia) và sinh kế của hàng chục ngàn cư dân. Mùa khô, cư dân ở nhiều điểm đảo đã phải mua nước ngọt từ đất liền chuyển ra.

Hết nước, bộ đội Hải quân trên đảo khiêng cả thùng đựng nước lớn xuống lấy nước do tàu Hải quân cung cấp
Hết nước, bộ đội Hải quân trên đảo khiêng cả thùng đựng nước lớn xuống lấy nước do tàu Hải quân cung cấp 

Nan giải bài toán nước ngọt 

Tại Nam Du, hồ nước An Sơn lại là một công trình kém hiệu quả, không phát huy tác dụng dù được đầu tư tới hơn 5 tỷ đồng xây dựng. Bất cập đầu tiên là hồ chứa này xây trên lưng chừng đồi, vì vậy việc tích nước trong mùa mưa rất hạn chế, đầu mùa khô đã hết nước.

Do sự phát triển quá “nóng” tại Phú Quốc, nhiều hệ lụy đã ảnh hưởng tới sự bền vững. Cụ thể, Dương Đông là con sông lớn nhất Phú Quốc đang ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác và nước thải. Hồ Dương Đông có dung tích 3 triệu m3 nước, là hồ nước ngọt duy nhất phân phối nước cho toàn huyện đảo, cung ứng nguồn nước 15.000m3/ngày đêm. Nắng nóng đã làm mực nước ở hồ chứa nước ngọt Dương Đông bị sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đủ cung cấp cho cư dân huyện đảo đến đầu tháng 5/2020. 

Nhiều nơi do nhu cầu về nước sinh hoạt, người dân tự do khoan giếng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nhiều gia đình thuê thợ khoan giếng nhưng bất thành, thậm chí có gia đình khoan giếng sâu tới 65m nhưng vẫn không có nước ngọt. 

Hiện nay, hồ nước Dương Đông được chuẩn bị nâng cấp, mở rộng, đưa công suất từ 20.000m3 lên 30.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đáp ứng nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, Phú Quốc đang đề xuất với các sở, ngành Kiên Giang để sớm triển khai xây dựng hồ nước xã Cửa Cạn. Riêng một số hồ nước, như hồ Suối Lớn (xã Dương Tơ), Rạch Cá (xã Hàm Ninh), Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) cũng đã có chủ trương giao cho các nhà đầu tư xây dựng.

Tại đảo Lý Sơn, Công ty Dosnavina đã tài trợ cho người dân đảo Bé xã An Bình hệ thống lọc nước ngọt trị giá 1 triệu USD để cung cấp 200m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho hơn 100 hộ dân tại xã. Tuy nhiên gần đây, một trong hai tổ máy lọc bị hư hỏng, mỗi ngày chỉ lọc được 15m3 nước.

Đọc thêm

Lâm Đồng nỗ lực tìm giải pháp phòng ngừa sạt lở

Chuyên gia khảo sát tìm nguyên nhân sạt trượt đất tại TP Đà Lạt hồi năm 2017.
(PLVN) - 2023 không phải là năm đầu tiên ở Lâm Đồng xuất hiện các sự cố sạt trượt đất nghiêm trọng. 8 năm về trước, vào năm 2017, tại trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã xuất hiện sự cố sạt trượt nghiêm trọng, phương án khắc phục đến nay đã mở ra hướng để nhà chức trách tham khảo, áp dụng trên diện rộng.

Bắc Bộ có mưa dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối và đêm 17/4 đến sáng sớm ngày 18/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng vùng núi cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Hậu quả nặng nề từ sự cố sạt trượt đất

Cùng với tốc độ phát triển nhanh, vấn đề sạt trượt là thách thức của Lâm Đồng.
(PLVN) - Chưa bao giờ sự cố sạt trượt đất lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề như năm 2023, nhất là với tỉnh Lâm Đồng. Các sự cố xảy ra liên tiếp, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra những nỗi đau khó khắc phục.

Ngày mai, 17/4, khu vực nào nắng nóng nhất?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai (17/4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất tại những khu vực này phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

'Hiu hắt' tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội

Hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp ở Hà Nội vắng người qua lại.
(PLVN) - Hơn 2 tháng được khánh thành và đưa vào hoạt động, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp tại Hà Nội vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều điểm trên đường thành nơi tập kết rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.

Đừng để rừng già trở thành điều “từng là”...

Hoa hậu H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên. (Ảnh: Gaia).
(PLVN) - Xin trích lời bài hát “Nhạc của rừng” của ca sĩ Đen Vâu đã và đang đứng top thịnh hành nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả làm tiêu đề cho bài viết này. Tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán này.