Mặc dù đều được cấp thẻ hành nghề nhưng đội ngũ đấu giá viên hiện nay vẫn còn chênh lệch khá lớn về trình độ cũng như kỹ năng điều hành đấu giá. Để tạo một “mặt bằng chung” về trình độ ngoài vấn đề đào tạo, bồi dưỡng còn là việc đấu giá viên phải thường xuyên được “cọ sát” với nghề.
Ít hành nghề nên “rơi” kiến thức
Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổng số đấu giá viên đến nay là 766 người. Tuy nhiên, đội ngũ đấu giá viên hiện nay rất thiếu, vẫn còn 3 tỉnh, trung tâm chỉ có 01 đấu giá viên (Hậu Giang, Lai Châu, Sơn La); 25 trung tâm có 02 đấu giá viên; 35 trung tâm có từ 03 đấu giá viên trở lên.
Hiện có trên 100 doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá tài sản, phân bố tại hơn 20 tỉnh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản tương đối nhiều, riêng Hà Nội có tới 53 doanh nghiệp, song chỉ có 35 doanh nghiệp tiến hành hoạt động bán đấu giá; TP. Hồ Chí Minh có 1.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá song chỉ có 30 doanh nghiệp hoạt động trên thực tế.
Dẫn những con số về doanh nghiệp hoạt động đấu giá không nhiều trên thực tế để cho thấy có nhiều đấu giá viên được cấp thẻ hành nghề nhưng chưa bao giờ hành nghề, hoặc có chăng cả năm mới hành nghề một lần. Vì ít được cọ sát với thực tiễn nên nhiều khi doanh nghiệp bán đấu giá có đấu giá viên hẳn hoi nhưng vẫn phải đi „thuê“, đi „mượn“ từ nơi khác, đặc biệt ở các trung tâm.
Ngoài lý do ít hành nghề, một lý do khác tạo sự chênh lệch về trình độ giữa các đấu giá viên chính là do những ”tồn tại lịch sử“. Trước đây Nghị định 05/CP quy định điều kiện bổ nhiệm đấu giá viên rất đơn giản (chỉ cần có bằng đại học (trong bất kỳ lĩnh vực nào) đều có thể trở thành đấu giá viên mà không cần phải qua đào tạo, bồi dưỡng). Chính vì sự dễ dãi này dẫn đến bổ nhiệm ồ ạt, kém chất lượng.
Vì vậy, cho đến tận bây giờ, nhiều đấu giá viên được bổ nhiệm tại thời điểm đó vẫn còn bị “tụt hậu” so với thời cuộc. Hiện nay, Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản đã hạn chế tình trạng này (muốn trở thành đấu giá viên phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá theo quy định). Điều kiện ngặt nghèo cũng là cách nâng cao chất lượng “đầu vào” của đấu giá viên.
Không hành nghề thì phải thu thẻ.
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, ngành Tư pháp đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ đấu giá viên tuy chưa nhiều. Tới đây, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề đấu giá, tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo đấu giá viên đáp ứng yêu cầu của các địa phương; rà soát, đánh giá trình độ của đội ngũ đấu giá viên đang hành nghề; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ bán đấu giá và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, ngành cũng đang xây dựng để triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ đấu giá viên.
Tuy nhiên, để có đội ngũ đấu giá viên thực sự có chất lượng thì bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời hướng dẫn, uốn nắn về nghiệp vụ cũng như các vi phạm khác thì cần phải quyết liệt hơn trong việc loại ra khỏi đội ngũ những đấu giá viên chỉ có “danh mà không có thực”.
Theo Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản thì những trường hợp như không làm việc thường xuyên tại tổ chức bán đấu giá tài sản; không còn hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản; không điều hành cuộc bán đấu giá nào trong vòng một năm, (trừ trường hợp có lý do chính đáng) sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều đấu giá viên bị thu hồi khi có các vi phạm nêu trên. Kiên quyết xử lý các trường hợp này cũng là để tạo ra một đội ngũ đấu giá chuyên nghiệp.
Đông Bình