Sáng ngày 15/9, tiếp tục phiên họp thứ 34, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo để chuẩn bị trình Quốc hội (khóa XII) lần đầu, tại kỳ họp thứ 8.
Tránh tiêu cực, lạm dụng
Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các thành viên UBTVQH cho rằng tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng rất quan trọng.
Việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của việc tố cáo, đó là thông qua việc tố cáo giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà nước.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là đảm bảo cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả…
Người tố cáo không cần nêu danh tính?
Về việc tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, nhiều thành viên Ủy ban tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo là “người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được” vì điều này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với những trường hợp không xưng danh nhưng có cơ sở chứng minh tố cáo là sự thật, thì cũng có thể chấp nhận bởi trong thực tế hình thức tố cáo này vẫn diễn ra khá phổ biến do bản thân việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tố cáo, nhất là trong điều kiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo còn hạn chế.
Những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nếu do những người công tác trong cùng cơ quan, đơn vị phát hiện, tố cáo thì do sợ bị trù úm, liên lụy nên người tố cáo không dám ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình.