[links()]“Thuốc nổ dùng không hết sẽ được gia hạn cho kỳ sản xuất tiếp hoặc phải trả lại cơ quan chức năng. Nhưng đó chỉ là số ít doanh nghiệp làm ăn thật thà, còn thì các mỏ đều tìm cách tuồn bán ra ngoài kiếm lời”, một chủ mỏ đá ở miền Trung tiết lộ với PLVN.
Hai đối tượng vận chuyển trái phép 200.000 kíp nổ đi tiêu thụ, bị CSCĐ Thanh Hóa bắt ngày 24/5/2012. |
Theo qui định, việc cấp phép, vận chuyển vật liệu nổ tại các mỏ đá hết sức chặt chẽ. Các đơn vị, công ty muốn sử dụng thuốc nổ vào mục đích khai thác đá hay bất cứ mục đích nào khác đều phải xin giấy phép với những quy định ngặt nghèo.
Khi tiến hành vận chuyển từ nơi này tới nơi khác hoặc sử dụng kích nổ ở một khu vực nào đó, các DN này phải xin phép mới được vận chuyển. Song cũng từ đây, không ít thuốc nổ đã bị thất thoát và được bán ra bên ngoài thị trường cho những người có nhu cầu.
Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên PLVN đã nói chuyện với một vài chủ mỏ đá ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Với câu hỏi có thất thoát thuốc nổ từ mỏ ra ngoài hay không?. Câu trả lời không do dự: “Chắc chắn có!” - Anh H., một chủ mỏ đá tại huyện Yên Thành, Nghệ An nói, trên địa bàn huyện này có đến hơn chục mỏ vật liệu xây dựng, các mỏ công suất lớn mỗi năm ngốn chừng 20 tấn thuốc nổ, ít cũng khoảng 5 - 7 tấn, thì cơ quan chức năng có đi kiểm tra cũng không xuể…
“Khu vực khai thác đá nằm xa, trên núi cao, việc khoan lỗ, đặt mìn thế nào là việc của công nhân chứ có ông nào đến kiểm tra đâu. Mìn bị tuồn ra ngoài cũng từ khâu này. Giả sử nhận mìn cho 10 lỗ mà khoan và đặt mìn có 9 lỗ thì đố ai biết”, anh H. quả quyết.
Cũng theo anh này, nguyên nhân của việc vật liệu nổ được công nhân “nhăm nhe” lấy trộm là vì lợi nhuận khá cao, giá mua vật liệu nổ của nhà nước rẻ nhưng khi bán lại cho người khác có được lãi gấp đôi, gấp ba. Người mua lại thuốc nổ kiểu này thường là dân đánh cá, người khai thác than thổ phỉ và có cả cá nhân mua để trả thù nhau.
Một chủ mỏ đá tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) còn tiết lộ: “Thường thì thuốc nổ dùng không hết sẽ được gia hạn cho kỳ sản xuất tiếp theo hoặc phải trả lại cơ quan chức năng. Đó là số ít doanh nghiệp làm ăn thật thà, còn thì các mỏ đá tìm cách tuồn bán ra ngoài kiếm lời”.
Chủ mỏ này cũng cho biết, khách hàng của anh là những đối tượng khai thác đá không có giấy phép, mua thuốc nổ bằng con đường này về để nổ trộm, khai thác đá trộm.
Về công tác hậu tra, một chủ mỏ khác ở Nghệ An cho hay: “Mỗi năm, chỉ khoảng hai lần cơ quan chức năng đi kiểm tra. Mà kiểm tra cũng chỉ xem “hộ chiếu” nổ mìn, đại loại những việc như người nổ mìn có đủ điều kiện tham gia không, tồn kho có phù hợp không, tất cả chỉ trên giấy tờ thôi. Còn thực tế thì không thể kiểm hết được lượng tồn kho còn bao nhiêu nên việc thuốc nổ chảy ra ngoài là điều không khó hiểu”.
Một cán bộ công tác trong ngành công thương Nghệ An thừa nhận, kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ tại các mỏ vật liệu xây dựng gần như chưa được chú ý đúng mức và chuyên môn của cán bộ chuyên trách còn hạn nên không thể quản tốt được.
Vị này cho biết thêm, đã có tình trạng cơ quan cấp phép do có quan hệ nên thích là cấp, không quan tâm đến nhu cầu thực tế của DN, có khi cấp nhiều hơn so với khối lượng khai thác cần có.
“Mỗi năm, chỉ khoảng hai lần cơ quan chức năng đi kiểm tra. Mà kiểm tra cũng chỉ xem “hộ chiếu” nổ mìn, đại loại những việc như người nổ mìn có đủ điều kiện tham gia không, tồn kho có phù hợp không, tất cả chỉ trên giấy tờ thôi. Thực tế thì không thể kiểm hết được lượng tồn kho còn bao nhiêu nên việc thuốc nổ chảy ra ngoài là điều không khó hiểu” - một cán bộ ngành Công thương Nghệ An cho biết. |
P.V.