Hậu Tết, nhiều cha mẹ ngồi lại “kiểm đếm” tiền mừng tuổi của con và không ít người đã vô tình cổ súy cho tính ham vật chất của bé như so sánh mệnh giá tiền của người này với người khác, rồi chê bai trước mặt con người này mừng nhiều, kẻ kia mừng ít... Làm thế, vô hình chung họ đã dạy con mình thương mại hóa tiền lì xì, vốn mang ý nghĩa tinh thần tốt đẹp của những ngày Tết cổ truyền.
“Đẳng cấp” nhà giàu
Ngay sau đó, Tiến tiếp tục rút ra một tập tiền màu xanh mệnh giá 100.000 đồng mới cáu cạnh. Tiến vênh váo: “Đố đứa nào có nhiều tiền mừng tuổi như tao đấy? Nếu hơn, tao sẽ cho hết chỗ tiền này!”. Đám bạn tròn mắt khiến cho Tiến càng thích thú. Để cho đám bạn “lác mắt”, Tiền còn móc ra thêm ba tờ 100 USD và vẫy vẫy trước gió.
Cho con giữ tiền và thoải mái tiêu tiền, một nét tiêu cực trong đời sống gia đình hiện đại |
Không chỉ có Tiến có khoản lì xì “khủng” tới vài chục triệu trong tay mà hiện nay, ở thành thị có không ít trẻ ở trong gia đình khá giả đã có tiền để... két mỗi dịp Tết. Một điểm giống nhau các cô bé, cậu bé ấy đều được bố mẹ cho quyền “tự quản lý” ngân quỹ lì xì. Có tiền riêng, nhiều trẻ có thể “tự xử” số tiền ấy theo ý của riêng mình.
Có trẻ dùng tiền lì xì “nướng” vào việc đánh bạc đỏ đen. Có trẻ lại dùng tiền vào việc “mua” kiến thức. Đơn cử như trường hợp của Tuấn Anh, học sinh lớp 7. Cứ mỗi lần kiểm tra các môn học trên lớp, Tuấn Anh lại mang tiền đến cho bạn học giỏi ngồi cạnh để bạn cho chép bài.
Hết môn này đến môn khác, bạn đạt điểm 9-10 thì Tuấn Anh ít ra cũng được 7-8. Tuấn Anh vênh vang: “Có nhiều tiền cần gì phải học!”. Hệ quả của cái sự đổi tiền lấy điểm ấy là mặc dù đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nhưng đầu Tuấn Anh luôn ở trong tình trạng trống rỗng.
Thời gian rỗi, Tuấn Anh đều dành vào việc chơi bi-a, điện tử, hát karaoke để có “cơ hội” “đốt” hết những đồng tiền... mừng tuổi. Bố mẹ thắc mắc về cách tiêu tiền của cậu con trai, Tuấn Anh hất hàm: “Tiền con, con tiêu. Người ta mừng tuổi con chứ. Của bố mẹ đâu mà cấm”.
Muốn con trẻ biết cách tiêu, cha mẹ phải làm gương
Có nhiều tiền và tự ý tiêu thoải mái, nhiều trẻ không coi trọng đồng tiền và sức lao động để kiếm được tiền. Trẻ thường mắc phải tính lười lao động, không có chí tiến thủ, thích hưởng thụ và điều này rất dễ có những hành động phạm pháp khi không có tiền.
Trước thực tế này, Nhà Tâm lý Hoài Thu - Trung tâm tư vấn Hà Thành bày tỏ sự lo lắng: “Cho con giữ tiền và tiêu tiền một cách thoải mái là một tiêu cực trong gia đình hiện đại”. Theo bà Hoài Thu, nếu con trẻ có tiền mừng tuổi hay tiền mọi người cho, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ, không nên để con cái có quyền quyết định chi tiêu vì trẻ chưa hiểu hết giá trị đồng tiền. Các bậc cha mẹ nên hướng con vào các chi tiêu hợp lý như mua sắm đồ dùng học tập hoặc trích một khoản tiền giúp đỡ các bạn tàn tật, nghèo khó, gặp khó khăn trong cuộc sống. Mọi chi tiêu phải có sự đồng ý của cha mẹ.
Nhưng muốn vậy, trước hết cha mẹ phải là tấm gương về cách chi tiêu hợp lý. Cha mẹ thường xuyên đưa các con tới thăm hỏi các gia đình nghèo khó, nhọc nhằn bươn trải để kiếm sống hay vào những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật... Điều này sẽ giúp con hiểu rõ giá trị đồng tiền, giá trị cuộc sống. Trẻ sẽ thay đổi tích cực cách sống và hành vi của mình.
Thùy Dương