Quy định phù hợp với điều kiện văn hóa và giao thông
Theo Bộ Công an, sử dụng rượu, bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 2 nhóm. Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng.
Theo Bộ Công an, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Bởi điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù, đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Ngoài ra, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể, nếu quy định nồng độ bằng 0 thì lái xe không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Do đó, việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội.
Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Do đó, Bộ Công an đề xuất tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Có nhiều ý kiến tán thành với đề xuất nói trên, bởi cho rằng, thời gian Bộ Công an đã quyết liệt trong việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn với người tham gia giao thông, vì thế kéo giảm những vụ tai nạn thương tâm. Đặc biệt góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, và bất cứ ai vi phạm cũng bị xử phạt mà không có ngoại lệ.
Nên nghiên cứu, quy định về giới hạn nồng độ cồn
Chia sẻ về vấn đề trên, luật sư (LS) Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng cần có điều chỉnh lại quy định về giới hạn nồng độ cồn cho phép khi tham gia giao thông để đảm bảo tính khoa học, hợp lý, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan. Bởi trước khi có Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 thì Việt Nam là một trong đa số các quốc gia trên thế giới quy định nồng độ cồn cho phép đến một giới hạn nhất định thì người tham gia giao thông mới được xác định là vi phạm. Các văn bản QPPL, trong đó có cả Bộ luật Hình sự đều quy định chế tài áp dụng khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Nồng độ cồn có tác động đến thần kinh hay không, mức độ tác động như thế nào, khả năng ảnh hưởng đến phản xạ, điều khiển của người tham gia giao thông hay không thì thuộc về chuyên môn của ngành y tế. Việc điều chỉnh quy định về nồng độ cồn cần phải có ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế để có đánh giá chính xác mang tính chất chuyên ngành.
“Về phương diện quản lý thì cũng là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp về quản lý không đạt hiệu quả. Do đó, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu và trong khí thở chỉ có thể là giải pháp cuối cùng nếu như việc đưa ra quy định giới hạn một mức độ nhất định không đạt hiệu quả”, LS Cường nói và cho rằng cần phải thống kê tình trạng vi phạm giao thông về nồng độ cồn, hậu quả của tình trạng này trước và sau khi có quy định về việc quản lí chặt chẽ nồng độ cồn. Thêm vào đó là ý kiến của các chuyên gia lĩnh vực y tế thì mới có thể có kết luận chính xác, có chính sách phù hợp với việc kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông.
Theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03% hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị.
LS Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla) cũng cho rằng không nên quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện giao thông, nên quy định giới hạn nồng độ cồn. Bởi về quyền con người, dưới góc độ khoa học thể chất, sức khỏe con người là hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc quy định chặt chẽ, áp dụng mức độ cồn bằng 0 sẽ không phù hợp. Thực tế, rất nhiều người trong người có nồng độ cồn nhưng thấp và không bị hạn chế, năng lực hành vi, nhận thức điều kiện sức khỏe bình thường nên không thể cấm tuyệt đối họ không được sử dụng sau khi lái xe.
“Thay vì cấm, phải xây dựng mức nồng độ cồn là bao nhiêu, xây dựng miền chặn, mức nồng độ cồn tối đa được cho phép mới đảm bảo không xâm phạm đến quyền con người”, LS Hòe nói. Ngoài ra, về mặt kinh tế, văn hóa – xã hội, quy định cấm tuyệt đối quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương đặc biệt ngành công nghiệp rượu và nhà hàng.
Để đảm bảo quy định, LS Hòe đề nghị xây dựng sửa đổi luật và áp dụng phù hợp với thực tế, nên quy định cụ thể về nồng độ cồn theo hướng có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp, không được vượt quá, để làm sao người dân ý thức được rằng, nồng độ cồn trong máu ở mức bao nhiêu là được, chứ không phải “cứ thổi là dính”. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác.
LS Hòe đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở” để phù hợp với các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ) và tránh việc điều luật bị hiểu theo hướng là cứ có nồng độ cồn là vi phạm. Đồng thời đưa ra các mức nồng độ cồn được cho phép tối đa trong người theo tinh thần của Nghị định 46/2014 trước đây thay vì cấm tuyệt đối.
Giải quyết những hệ quả pháp lý như thế nào?
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hải (Công ty Luật TNHH Tuệ Thành) cho rằng không nên điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, việc quy định ngưỡng nồng độ cồn cho phép là bằng 0 thì nên cần có thêm đánh giá, nghiên cứu.
Theo ông Hải, thứ nhất, các thiết bị đo, kiểm tra có thể có sai số (dù rất nhỏ); Thứ hai, đã có một số tranh luận về việc có trường hợp “người có nồng độ cồn nhưng không phải do sử dụng đồ uống có cồn” mà do nguyên nhân cơ địa hay sử dụng một số loại thực phẩm, thuốc…; Thứ ba, cũng có nhiều ý kiến về việc trong trường hợp người sử dụng đồ uống có cồn thì sau bao lâu lượng cồn chuyển hóa về ngưỡng 0. Việc chuyển hóa này không phải ai cũng giống ai. Nếu sau (24h, 36h hay 48h) mà vẫn còn tồn dư nồng độ cồn thì có ảnh hưởng đến việc điểu khiển phương tiện giao thông hay không?
Ông Hải cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, hỗ trợ để tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự kiểm tra thì sẽ phải mua các thiết bị đo (đạt chuẩn, có kiểm định…) ở đâu, để người có nhu cầu sẽ có cách tự kiểm tra xem mình có vi phạm quy định hay không. Thứ nữa, nên chăng hạn chế việc khi các phương tiện đang dừng đèn xanh, đỏ thì lực lượng chức năng đi ra tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra này không thật sự đảm bảo an toàn cho các bên và việc kiểm tra như thế cũng dễ có sai sót. Bên cạnh đó, việc kiểm tra nồng độ cồn cũng cần phải đảm bảo an toàn y tế, không lây nhiễm bệnh.
“Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp, bất đồng về kết quả kiểm tra giữa người bị kiểm tra với lực lượng chức năng thì giải quyết ra sao. Nếu người bị kiểm tra mong muốn được kiểm tra bằng các phương pháp khác như thử máu thì phải như thế nào”, ông Hải nêu vấn đề và cho rằng cần có quy trình hướng dẫn cụ thể: việc kiểm tra lại sẽ tiến hành ở đâu, thời gian ra sao, chi phí … Nếu kết quả kiểm tra là đúng thì người vi phạm đương nhiên phải chịu mọi trách nhiệm theo quy định pháp luật. Nhưng nếu kết quả kiểm tra không chính xác do lỗi của thiết bị hay vì lý do nào đó… mà có gây ra thiệt hại cho người bị kiểm tra thì giải quyết như thế nào?
Bộ Y tế dự kiến đề xuất xác định nồng độ cồn trong khí thở lái xe
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông. Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.