Có một ngôi chùa “thiên tạo” huyền tích

Chùa Hang - ngôi chùa thiên tạo và kỳ vĩ lưng tựa núi, mặt hướng ra đại dương.
Chùa Hang - ngôi chùa thiên tạo và kỳ vĩ lưng tựa núi, mặt hướng ra đại dương.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đồ Sơn (Hải Phòng) không chỉ là khu du lịch biển nổi tiếng, mà còn được biết đến là một “miền di sản” với những lễ hội văn hóa - tâm linh đặc sắc cùng nhiều di tích đền, chùa. Cùng với tháp Tường Long, đền Bà Đế, đền thờ Nam Hải Thần Vương… chùa Hang là một trong những điểm du lịch với những vẻ đẹp thiên tạo quý giá.

Ngôi chùa cổ hướng ra đại dương

Ngay khi đặt chân tới Đồ Sơn, chúng ta đã thấy chùa Hang và tháp Tường Long sừng sững trên một ngọn núi. Theo đó, chùa Hang hay còn gọi là Cốc Tự (khu 1, phường Vạn Sơn) được xem là ngôi chùa thiên tạo lớn nhất trong khu di tích lịch sử Đồ Sơn.

TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội sử học thành phố Hải Phòng cho biết: Theo các tài liệu xưa và hiện nay, vùng Đồ Sơn - Kiến Thụy là nơi đầu tiên các nhà truyền đạo từ Tây Trúc (Ấn Độ) đặt chân đến. Trong đó có nhà sư từ Thiên Trúc đến truyền Phật pháp và dựng chùa Hang (Cốc Tự) từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vào cuối thời Hùng Vương. Nhà sư này còn dựng chùa trên Mẫu Sơn (núi Chòi Mòng) và sau đó ngài viên tịch tại chùa Hang.

Là kết quả bào mòn của sóng biển nên thuở đầu, chùa Hang nằm gần mép biển, thuận tiện cho ngư dân sinh hoạt tín ngưỡng. Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, C.Madrolle, rằng Phật giáo truyền vào xứ Đông (vùng Hải Dương - Hải Phòng) trước hết từ Nê Lê (Đồ Sơn) hiện nay.

Lịch sử Hải Phòng còn ghi lại, thuở xưa, Đồ Sơn là một đảo đất đá xen kẽ, cách đất liền khoảng 3km, rừng rậm đầy sản vật, nước ngọt. Ngư dân khắp các miền, nhất là vùng Thanh - Nghệ, đến sinh cơ, lập nghiệp. Trên đảo có một số hang động rộng rãi.

Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển đã cập đảo này và dựng chùa Hang (Cốc Tự). Dân chúng Đồ Sơn là những người đầu tiên của xứ Đông tiếp thu đạo Phật. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn ý kiến tranh luận nhưng phần nhiều thuận với quan điểm trên.

Trong quá trình dựng và giữ nước, người Việt cổ cũng đã xác lập được nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, còn gọi là văn minh sông Hồng. Đây cũng là quá trình thâm nhập và mở rộng ảnh hưởng của đạo Phật tới nước ta.

Từ Đồ Sơn - Kiến Thụy, Phật giáo tiếp tục được truyền vào xứ Đông và các vùng phố Hiến - Kinh Bắc. Đạo Phật lan truyền nhanh chóng bởi nó là tôn giáo phù hợp với bản sắc văn hóa - tín ngưỡng các tộc người Á Đông.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương Ngô Đăng Lợi, căn cứ vào di tích chùa Hang và chùa trên đỉnh núi Mẫu Sơn cùng các di tích liên quan và truyền ngôn của người dân ở Đồ Sơn kể về vị sư Bần đã dựng nên chùa trên núi Mẫu Sơn, sau viên tịch ở chùa Hang góp phần khẳng định: Xứ Đông với Phật tích Nê Lê Đồ Sơn là nơi đầu tiên của nước ta tiếp thu Phật giáo. Từ Nê Lê truyền lên Luy Lâu (Dâu), từ Luy Lâu truyền sang Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Quốc.

Năm 2010, chùa Hang được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

Nguồn gốc hình thành nên ngôi cổ tự độc đáo, linh thiêng này gắn liền với những truyền ngôn phảng phất chất huyền thoại mà người dân xứ Vạn Sơn bao đời nay vẫn hằng tự hào lưu giữ. Chuyện rằng: Có một nhà sư nước Thiên Trúc (Ấn Độ) thường được gọi là “Sư Bần” đi thuyền theo đường biển đến cập bến Vạn Sơn để truyền đạo và tu hành tại đây từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Ngài đã chọn một hang núi đẹp có giếng nước trong mát dưới chân đỉnh Mẫu Sơn ngay giáp bờ biển để dựng lên ngôi cổ tự làm nơi thuyết pháp, sau ngài thi tịch tại chùa.

Địa danh chùa Hang hay Cốc tự xuất hiện từ đó. Sau này, theo khẳng định của một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo, chùa Hang Vạn Sơn - ngôi cổ tự độc đáo đứng ở vị trí “trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong” chính là điểm đầu tiên Phật giáo theo đường biển du nhập vào nước ta.

Để rồi từ đây, Đạo Phật truyền lên vùng Luy Lâu của xứ Kinh Bắc (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) và tiếp tục lan tỏa đến các miền quê trong nước Đại Việt. Khẳng định của các nhà nghiên cứu trên đây có nhiều điểm trùng hợp với những truyền ngôn mà người dân Vạn Sơn đã bao đời tự hào truyền tụng.

Còn đó những huyền tích, thăng trầm

Có lẽ bởi vậy, dải đất duyên hải Vạn Sơn đã từng được người Pháp chọn làm nơi xây dựng kho xăng, sân bay quân sự, cảng biển… phục vụ cho cuộc chiến và ý đồ khai thác Đông Dương. Cư dân Vạn Sơn bị chính quyền thực dân o ép rời khỏi làng mạc, bản quán thân yêu. Chùa Hang Vạn Sơn vì thế đã có một thời gian dài trở nên đìu hiu, hoang vắng.

Dẫu vậy, trong sâu thẳm tiềm thức của dân Vạn Sơn bị lưu lạc xa xứ, ngôi Cốc tự “trên là núi, dưới là biển, trong hang có giếng nước trong” vẫn luôn là chốn linh thiêng, là niềm tự hào mang nặng nỗi nhớ, niềm thương tha thiết. Truyền ngôn của người dân địa phương còn kể lại câu chuyện: Năm 1930, Tuần phủ tỉnh Bắc Giang Đặng Quốc Giám đã từng đến đây định phá núi, đục rộng cửa hang để xây biệt thự nghỉ dưỡng nhưng bị thần tiên quở phạt nên sợ hãi, không dám làm nữa.

Hòa bình lập lại, từ năm 1954, cư dân Vạn Sơn dần dần hồi hương an cư, lạc nghiệp vun đắp nên nền cốt hưng thịnh sầm uất cho vùng duyên hải đắc địa này. Và ngôi cổ tự lại hồi sinh, quanh năm sạch cỏ, đỏ đèn, dập dìu phật tử thập phương tìm về lễ Phật, cầu an và thả mình nơi nước non phong cảnh hữu tình.

Theo Đại đức Thích Giác Hiệu, trụ trì chùa Hang, trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Phật giáo cho rằng, những hiểm họa về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn nạn nghèo đói... mà nhân loại ngày nay đang đối mặt là chính từ hậu quả của tư duy và hành động “tham, sân, si” của con người đối với thế giới tự nhiên. Phật giáo cho rằng, những hiểm họa về môi trường... chính là hậu quả “tham, sân, si” của con người đối với thế giới tự nhiên. Gieo nhân sạch - nhận quả lành, ấy chính là Đạo Phật nhập thế, Đạo Phật đã được phát sinh từ trong lòng của cuộc đời, được nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại vì cuộc đời.

Đồng thời, được mệnh danh là mảnh đất của những huyền thoại, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của cả một vùng trời mây sóng nước ghi dấu những truyền thuyết kim cổ. Là một bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển, Đồ Sơn được ví như một con Rồng chầu về viên ngọc là đảo Hòn Dấu, nơi có ngọn Hải Đăng, mắt thần trên biển hàng trăm năm tuổi. Cùng với đó, đền thờ Nam Hải Thần Vương dưới những tán đa cổ thụ nhỏ bé đơn sơ trên đảo. Tương truyền, trong một dịp Vua Tự Đức ra Bắc, thuyền của ngài gặp sóng to gió lớn đã ghé đền khấn vái và bỗng chốc trời quang mây tạnh. Từ đó, người dân mỗi lần đi qua đây đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương cầu xin ngài đi biển bình yên và đánh được nhiều tôm, cá.

Và tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này đuợc xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190.

Theo sách “Đại Việt sử lược” thì năm Mậu Tuất 1058, Vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là “Thấy rồng vàng hiện lên” để ghi nhớ điềm lành.

Lại có người cho rằng, cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận cho dựng tháp ở đây để thờ Phật. Khi xưa, có thể nơi đây còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống “truyền đăng”. Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành.

Cùng với đó, dưới chân núi Ngọc là rặng thị cổ với tuổi đời từ vài trăm năm đến gần nghìn năm tuổi. Đây là quần thể rặng thị được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Hiện còn lại 17 Cây di sản có tuổi đời tới 800 năm với các tên gọi như cây Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ...

Một người đắm say với Đồ Sơn nói rằng, ngay tên gọi “Đồ Sơn” đã là một bức tranh đẹp, sơn thủy hữu tình. Và dù bao năm tháng qua đi, không phải ngẫu nhiên, người Pháp từ đầu thế kỷ trước đã chọn bán đảo Đồ Sơn là một trong ba điểm nghỉ dưỡng đẹp nhất Việt Nam. Nơi này mang khí hậu đại dương trong lành, hào sảng riêng có của đất và người Hải Phòng…

Du lịch “Về miền di sản”

Theo người dân địa phương, ngoài việc tạo ra một không gian xanh kỳ thú trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng và che chở cho nhân dân Đồ Sơn khỏi bão gió thì Rặng thị cổ còn có giá trị lớn về mặt lịch sử.

Trong tương lai du lịch Đồ Sơn không chỉ là một khu nghỉ với nhiều bãi biển, phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình với núi cao, biển rộng mà còn là điểm du lịch “Về miền di sản” nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, điểm đến của du lịch tâm linh như: quần thể tháp Tường Long - chùa Tháp, chùa Hang, đền Bà Đế, đền thờ Nam Hải thần Vương, đền Cô Chín…

Cho đến nay, cùng với tháp Tường Long, quận Đồ Sơn có 3 điểm nữa là: bãi tắm tự nhiên khu II, biệt thự Bảo Đại, đảo Hòn Dấu đã được công nhận là điểm du lịch và quần thể cây được công nhận là Cây di sản như: quần thể cây Đa búp đỏ trên đảo Hòn Dấu, phường Vạn Hương và Rặng thị cổ có tuổi đời trên 700 năm tại phường Ngọc Xuyên.

Đọc thêm

Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà

Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà
(PLVN) - Tối 15/11, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ 2 năm 2024.

Cùng trẻ khám phá bộ sách “Làm chủ cảm xúc”

Cùng trẻ khám phá bộ sách “Làm chủ cảm xúc”
(PLVN) - Bộ sách "Làm chủ cảm xúc" gồm 6 cuốn sẽ đồng hành cùng trẻ khám phá và hiểu rõ hơn về những cảm xúc quen thuộc như: giận dữ, sợ hãi, đố kỵ, chia sẻ, yêu thương..., từ đó giúp trẻ học cách nhận biết và kiểm soát cảm xúc một cách tích cực.

TS. LS Đoàn Văn Bình ra mắt cuốn sách song ngữ ‘Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài’

Toàn cảnh Lễ ra mắt sách của TS.LS Đoàn Văn Bình
(PLVN) -  Ngày 15/11 tại Hà Nội, TS.LS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã chính thức ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh: “Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners”, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản. Tại sự kiện,  tác giả tuyên bố dành toàn bộ thu nhập của việc xuất bản sách để ủng hộ Quỹ Ngày mai tươi sáng.

Hà Nội: Sẵn sàng cho chương trình 'Cùng nhau giữ nước'

Hà Nội: Sẵn sàng cho chương trình 'Cùng nhau giữ nước'
(PLVN) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 326/KH-UBND về việc phối hợp thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Cùng nhau giữ nước”. Đây là Chương trình chính luận nghệ thuật sẽ diễn ra vào 20h ngày 18/11, tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đồng Tháp khảo sát làm rõ giá trị di tích thành cổ Bảo Tiền

Đồng Tháp khảo sát làm rõ giá trị di tích thành cổ Bảo Tiền
(PLVN) -  Chiều 14/11, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức khảo sát thực địa di tích thành cổ Bảo Tiền (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Tham gia khảo sát có lãnh đạo và cán bộ Sở VHTT&DL, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp; cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa…