“Đấu tố” nhau để giành quyền nuôi con
Theo nội dung vụ việc, năm 2014, bà H kết hôn cùng ông L. Hai người có với nhau một con chung. Sau vài năm chung sống, hai người ly hôn, con trai được chồng cũ nuôi dưỡng. Đến tháng 7/2019, nữ diễn viên khởi kiện thay đổi người nuôi con và nhiều lần thể hiện bức xúc vì chồng cũ và gia đình anh ngăn cản cô gặp con trai.
Điển hình có lần, nữ diễn viên viết trên trang cá nhân: “Tôi lạy anh, anh B.L ơi. Làm ơn cho tôi gọi Facetime để nhìn con một chút. Anh đừng ích kỷ, nhỏ nhen như vậy”. N.K.A cho rằng trước đây cô đã nhường cho chồng trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con trai, nhưng thời gian sau, cô bị gia đình chồng cũ cấm gặp con nên cô quyết giành lại quyền nuôi con của mình.
Về việc này, anh L khẳng định, từ khi cả hai chấm dứt hôn nhân vào tháng 3/2018, anh và gia đình chưa từng ngăn cản nữ diễn viên gặp, thăm con trai. Anh còn “tố” ngược rằng khi đó N.K.A có bảo nếu anh đồng ý ly hôn thì con trai sẽ giao cho anh nuôi dưỡng và đang “cố tình lôi kéo con trai vào những chuyện thị phi, giống như các vai diễn trên phim”.
Cũng trong năm 2019, nghệ sĩ hài G.B đăng đàn tuyên bố giành quyền nuôi con với vợ cũ sau 2 năm ly hôn, khiến nhiều người bất ngờ. Đáng lưu ý, về nguyên nhân của động thái đòi quyền nuôi con, G.B úp mở "vì con tôi đang sống trong một môi trường đầy nguy hiểm", được cho là ám chỉ tiêu cực về vợ cũ T.H. Một người quen khuyên Gia Bảo bình tĩnh, tránh làm tổn thương con thì anh trả lời: "Máu cũng đã đổ rồi" càng làm khán giả thêm hoang mang…
Pháp luật quy định như thế nào?
Tạm gác những tranh chấp qua lại giữa hai bên, những ẩn ý đằng sau việc làm của mỗi người trong các vụ việc trên, vấn đề được nhiều người băn khoăn không rõ là: Sau ly hôn, khi đã giao con cho một bên bố hoặc mẹ nuôi dưỡng thì người còn lại có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không? Nếu được thì thực hiện thay đổi trong trường hợp nào?...
Theo pháp luật hiện hành, sau khi có bản án của Tòa về việc ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con thuộc về vợ hoặc chồng. Cụ thể, khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”. Như vậy, người trực tiếp nuôi con phải đảm bảo các điều kiện để con phát triển bình thường, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom, có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Tuy nhiên, người trực tiếp nuôi con cũng có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con đối với trường hợp “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó” (khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình).
Nhiều luật sư cho biết, những tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn thường là yêu cầu thực hiện quyền được thăm nom, yêu cầu hạn chế quyền thăm nom, yêu cầu thực hiện cấp dưỡng, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con… Những tranh chấp khác liên quan đến quyền nuôi con còn có thể là yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình trong các trường hợp như: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo luật định ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.
Trường hợp cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên hoặc một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con hay một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của pháp luật. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Đối với những trường hợp nghệ sĩ kể trên, họ đều là người không trực tiếp nuôi con nhưng có thể tiến hành thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Việc này thực hiện theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình, dựa vào các căn cứ: “Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con” hoặc “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức theo luật định, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ý kiến:
* Bà Nguyễn Thị Phương Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam: Phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người con
Trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp liên quan đến quyền nuôi con sau ly hôn, mặc dù pháp luật đã có các quy định, nhưng việc thực thi không phải lúc nào cũng có thể làm được. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Thi hành án và đương sự để thực hiện đầy đủ, kịp thời việc giải quyết các tranh chấp để đảm bảo các quyền hợp pháp cho đương sự và lợi ích tốt nhất cho người con.
Chẳng hạn, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho người con sau khi ly hôn, pháp luật quy định rất nghiêm khắc về việc cấp dưỡng tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình. Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 54 Nghị đinh số 167/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, pháp luật sẽ xử phạt nghiêm khắc hơn nếu khi có bản án của Tòa yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng họ không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, nếu việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo BLHS quy định tại điều 186. Những tranh chấp khác liên quan đến quyền nuôi con còn có thể là yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo điều 85 Luật hôn nhân gia đình. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo luật định ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm.
* Ông Phạm Duy Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hải: Tạo điều kiện cho con sống và phát triển bình thường.
Hiện nay, số lượng các vụ ly hôn ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp. Khi hai vợ chồng quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân thì vấn đề con cái luôn được cả hai vợ chồng quan tâm, thường các vụ ly hôn hay xảy ra tranh chấp quyền nuôi con do không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi dưỡng. Pháp luật quy định về vấn đề này theo hướng bảo vệ cho người con được hưởng các điều kiện để sống và phát triển bình thường.
Với tư cách là một luật sư, khi tư vấn cho khách hàng, tôi sẽ yêu cầu người vợ/người chồng đưa ra quan điểm cần nhìn nhận vấn đề chung về con cái xem ai sẽ có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho con để thỏa thuận. Không những vậy, tôi cũng sắp xếp các buổi hẹn, gặp gỡ trao đổi thỏa thuận giữa người vợ và người chồng để thay đổi người nuôi con để đứa trẻ có được sự chăm sóc tốt nhất.
Nếu không đi đến được một thỏa thuận thích hợp trong việc giành quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cái thì căn cứ vào Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha/mẹ phải có đơn gửi đến Tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Trong đó, phải chứng minh được người đang nuôi con không đủ điều kiện hoặc điều kiện không tốt bằng người yêu cầu và ngược lại phải chứng minh được mình có điều kiện tốt hơn để chăm sóc nuôi dưỡng con.