Chầu chực, hoặc phải mất nhiều lần đi lại, chấp hành viên (CHV) mới lấy được xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án (THA). Nhiều CHV cho rằng quy định này là quá rườm rà, mất thời gian...
Đọc quyết định thi hành án dân sự. Ảnh minh họa
Cần thiết hay không?
Theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự (THADS), khi xác minh điều kiện THA, chấp hành viên phải lập biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh.
Ông Đặng Đình Quyền - Quyền Cục trưởng THADS Hưng Yên cho biết: phần lớn các trường hợp chấp hành viên đi xác minh về sau đó mới quay lại lấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố. Theo lý giải của ông Quyền “người ta có ở nhà đợi mình đến đâu, tìm được họ rất vất vả, có khi phải đi lại, chầu chực nhiều lần”.
Theo ông Quyền, quy định biên bản xác minh phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố là không cần thiết mà chỉ cần đại diện chính quyền cơ sở đi cùng (hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh) và xác nhận là đủ.
Chung quan điểm, một lãnh đạo Chi cục THADS Hoàn Kiếm cũng bức xúc: quy định này là quá rườm rà, mất thời gian, không cần thiết, đặc biệt là đối với những trường hợp không xác định được địa chỉ của người phải THA. Đối với những trường hợp này, theo đại diện THADS Hoàn Kiếm chỉ cần xác minh ở cơ quan Công an là đủ.
Việc lấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố theo phản ánh của nhiều cơ quan THA, mỗi nơi đều có cái khó khác nhau. Ở các thành phố lớn, tổ trưởng tổ dân phố là người tham gia nhiều công việc ở địa phương, tìm được họ không dễ. Còn ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa có khi các vị này đi làm nương, rẫy...chỉ đến tối mới có mặt ở nhà. Gặp được họ “giống như đi câu”, lúc được, lúc không.
Trước đây theo Pháp lệnh THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thủ tục xác minh điều kiện THA chỉ cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc tổ chức nơi công tác, nơi quản lý thu nhập... Tương tự là trường hợp kê biên tài sản, chỉ cần có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người làm chứng... Như vậy, so với quy định của Pháp lệnh cũ, Luật THADS đã thắt chặt hơn rất nhiều.
Cần phối hợp nhưng không nên máy móc
Ông Hải cũng cho rằng việc cần phải làm trong quy trình xác minh điều kiện THA là thông báo cho các tổ trưởng tổ dân phố nơi người phải THA cư trú để theo dõi, quản lý, cũng như giáo dục, vận động thuyết phục THA. Đặc biệt là phối hợp tốt với tổ dân phố sẽ hạn chế việc trốn tránh hoặc tẩu tán tài sản.
“Một bản án mà người phải thi hành cư trú ở địa phương là tổ dân phố, chi bộ... không biết thì rất mệt cho THA”. Riêng việc lấy xác nhận ông Hải cũng thừa nhận, nhiều khi phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Trong điều kiện mặc dù lực lượng THA đã được bổ sung, kiện toàn về cơ bản nhưng so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn thiếu, tình trạng quá tải công việc vẫn diễn ra ở nhiều nơi thì nhiều cơ quan THA kiến nghị về lâu dài nên xem lại quy định nói trên. Một mặt vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả của quy trình THA nhưng cũng giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục không cần thiết.
(...) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.
Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.
(Khoản 2, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự)