Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật – nguyên lý cơ bản này vốn là nền tảng của cả lý thuyết lẫn thực tiễn tài phán. Tương tự như vậy đối với nguyên tắc: bên nguyên không phải chỉ bởi có quyền khởi kiện mà luôn có lý, bên bị chỉ vì bị khởi kiện mà đã bị coi là có tội. Nếu không như vậy thì thế giới này đâu còn cần đến pháp luật và toà án làm gì. Nhưng việc các chính trị gia lãnh đạo đất nước bị khởi kiện và bị toà án đưa ra xét xử vốn vẫn là chuyện hiếm xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra ở nước Nga cho tới khi đương kim thủ tướng Vladimir Putin bị ba đối thủ chính trị khởi kiện và vụ việc đã được toà án phân xử ngày 14.2 vừa qua.
Chuyện như thế này: Hồi tháng 12 năm ngoái, trong một chương trình truyền hình, ông Putin cáo buộc cựu phó thủ tướng Boris Nemzov, cựu thứ trưởng Bộ năng lượng Vladimir Milov và dân biểu Vladimir Ryshkov “biển thủ hàng tỷ Rúp”. Ba vị này khởi kiện ông Putin, yêu cầu ông Putin phải rút lại lời cáo buộc đó và bồi thường thiệt hại danh dự 1 triệu Rúp. Toà án đã xét xử và tuyên bố ông Putin trắng án.
Chuyện chỉ có như vậy và đã kết cục như vậy, nhưng hoàn toàn mới mẻ ở nước Nga. Lần đầu tiên có vị đương chức đương quyền cấp cao đến như vậy trở thành bị cáo trong một phiên toà dân sự. Khởi kiện là quyền chính đáng của ba vị kia và xét xử thế nào là quyền của các cơ quan tư pháp. Kết cục cuối cùng của phiên toà dù có như thế nào thì cũng đều tích cực đối với toà án ở Nga vì đã đưa lại bằng chứng cho nguyên lý “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Ba vị kia trong thực tế cũng chỉ được mà không bị mất gì. Ông Putin cáo buộc họ vậy thôi chứ họ đâu có bị truy cứu trước pháp luật về biển thủ công quỹ. Nếu toà án phán quyết theo hướng có lợi cho họ thì họ lại có thể khai thác triệt để phán quyết ấy trên chính trường nước Nga. Ông Putin bị truy cứu trước toà thật đấy nhưng cũng không bị kết tội, cho nên cũng chẳng bị thiệt hại gì, trong khi còn tạo được hình ảnh “chẳng khác gì so với người khác trước pháp luật”.
Phương Tây vốn vẫn thường xuyên phê trách Nga về dân chủ và nhân quyền, nhưng thực tế cho thấy ở đó đã có nhà lãnh đạo nào còn đương chức đương quyền mắc mớ vào kiện tụng đã bị đưa ra xét xử trước toà đâu, mà toà án chỉ sờ đến khi họ đã không còn đảm trách những cương vị quyền lực nữa. Thế đấy, cũng là tính độc lập của toà án, nhưng mỗi bên hiểu và thực thi theo cách riêng khác nhau.
Thiên Lang