Nguyên lý “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” qui định nền tảng, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân. GS.TS.Trần Ngọc Đường nhận định, nguyên lý này được qui định trong Hiến pháp của hầu hết các nước có chế độ chính trị dân chủ và pháp quyền trên thế giới.
Người dân tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 |
Cần qui định rõ quyền bãi nhiệm đại biểu của công dân
Nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (điều 2) được qui định cụ thể, nhất quán, xuyên suốt trong toàn bộ các điều khoản của Hiến pháp 1992. Đặc biệt trong qui định về chế độ chính trị (chương I) và về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (chương V) thể hiện nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước với quyền lập hiến. Thông qua Hiến pháp mà nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho nhà nước.
Tuy nhiên, GS.TS.Trần Ngọc Đường (Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lập pháp – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nhận định, nội dung “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (điều 6 Hiến pháp 1992) lại mâu thuẫn với nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Chỉ rõ mâu thuẫn này, GS.TS.Trần Ngọc Đường cho rằng, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện, mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp thông qua trưng cầu dân ý. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải thể hiện đầy đủ hơn để không làm hạn chế các phương thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước trong Hiến pháp.
Một quyền tất yếu để nhân dân thực hiện quyền chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước là “kiểm soát được quyền lực nhà nước”. Đây là một đòi hỏi chính đáng khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định “kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta”. “Quyền này phải được thể hiện xuyên suốt trong các qui định về sử dụng các phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước khi sửa đổi Hiến pháp 1992” – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiến nghị.
Theo đó, Hiến pháp 1992 cần được xem xét sửa đổi, bổ sung qui định rõ bầu cử là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn bó chặt chẽ trách nhiệm qua lại giữa cử tri và người được bầu. Ngoài ra, để nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” không là hình thức, cần qui định rõ quyền bãi nhiệm đại biểu của công dân. Thực tế chứng minh không có quyền bãi nhiệm thì quyền bầu cử là hình thức, song Hiến pháp và các luật hiện hành “chưa coi trọng quyền bãi nhiệm đại biểu” của công dân nên không có cơ chế đảm bảo thực hiện quyền này.
GS.TS.Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh, phúc quyết về Hiến pháp và các việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vấn đề này còn chưa được Hiến pháp 1992 đề cập đến nên cần nghiên cứu, bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này.
Quyền con người không phải từ sự ban phát
Thuật ngữ “quyền con người” được sử dụng lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta là trong Hiến pháp 1992. Đây là một “bước phát triển về quan niệm và nhận thức lý luận” – GS.TS.Trần Ngọc Đường nhận xét. Thực tế, trong điều kiện xây dựng NNPQ, cá nhân con người là thực thể tự nhiên – xã hội có những quyền cơ bản, xác định. Việc thừa nhận các quyền này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế bởi cá nhân con người chính là giá trị, giá trị con người không tách rời giá trị loài người, thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh.
Theo đánh giá của chuyên gia cao cấp này, Hiến pháp 1992 sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị - pháp lý rộng hơn để thể hiện giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ quyền công dân (không bao quát hết các quyền con người). Tuy nhiên, cách thể hiện các quyền con người đồng thời là các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 “chưa thể hiện sâu sắc và đầy đủ quan niệm các quyền cơ bản của công dân là các quyền con người vốn có của họ. Họ là chủ thể mang quyền và được hưởng chứ không phải là thủ thể nhận quyền từ sự ban phát, tặng cho của nhà nước”. Do vậy, sửa đổi cách thể hiện về quyền con người trong Hiến pháp là cách để bảo vệ đúng đắn nhất các giá trị con người trong NNPQ XHCN.
Huy Anh