Chiều qua (5/4), chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo 4 đề án thuộc Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Chính phủ giai đoạn 2008-2012 (ban hành kèm theo Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 2 cho biết, dự kiến tháng 11 sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình bằng hình thức trực tuyến sau khi các Bộ Tư pháp, GD&ĐT, LĐTB&XH, NN&PTNT tổng kết các đề án do các Bộ chủ trì.
Ban Chỉ đạo nhất trí thông qua việc tổng kết Chương trình nhằm xác định kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, xác định những hình thức PBGDPL có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, tác động của hoạt động PBGDPL đối với đời sống KT-XH, công tác giải quyết khiếu nại – tố cáo, thực hiện dân chủ cơ sở…
Trong số các nguyên nhân khiến việc thực hiện Chương trình còn hạn chế, tồn tại thì theo đại diện lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, vấn đề đáng lưu ý là nhận thức của các cấp chính quyền đối với vai trò của Chương trình nói chung và các đề án trong chương trình nói riêng đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai. Thậm chí có lãnh đạo địa phương “chưa biết” đến sự tồn tại của Chương trình. Bên cạnh đó, đội ngũ pháp chế ngành ở địa phương “chưa đủ lực cũng như chưa đủ mạnh” để chủ động và tích cực triển khai các hoạt động của Chương trình, kinh phí cho các hoạt động còn chưa được cấp kịp thời, phù hợp… như phản ánh của đại diện Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ của các Bộ tham gia Chương trình, thời gian qua, các đề án trong chương trình đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, huy động được sự tham gia, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân. Nhờ vậy, các đề án đã đạt các kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo nên những điểm nhấn cơ bản trong công tác PBGDPL, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của địa phương…
Từ các kết quả đã đạt được cũng như tác động tích cực của công tác PBGDPL đến đời sống KT-XH, Ban Chỉ đạo 4 Đề án nhất trí đề nghị đưa PBGDPL vào các Chương trình mục tiêu quốc gia để việc thực hiện được ổn định, xác định biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL ở các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt đề nghị chính quyền các địa phương phải “vào cuộc” vì “TƯ tích cực, địa phương đứng ngoài” thì không Chương trình nào được triển khai có hiệu quả” – đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Lãm – Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng BCĐ Đề án 2 cũng cho biết, dự kiến trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt cho tiếp tục triển khai 4 Đề án của Chương trình đến năm 2016 nhằm phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PBGDPL trong giai đoạn mới./.
Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2008-2012 gồm 4 Đề án: - Đề án 1 “Tuyên truyền PBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” (Bộ NN&PTNT chủ trì) - Đề an 2 “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” (Bộ Tư pháp chủ trì) - Đề án 3 “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường (Bộ GD&ĐT chủ trì). - Đề án 4 “Tuyên truyền, PBPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012” (Bộ LĐTB&XH chủ trì) |
Huy Anh