Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được sửa theo hướng nào?
Hôm nay 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Giáo dục (sửa đổi). Trước đó, ngày 8/11, dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW; cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của Luật Giáo dục với các văn bản pháp luật khác; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực GD&ĐT.
Bố cục của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp với tính chất và nội dung của dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 01 chương, 01 mục và 07 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
Một số chính sách mới trong dự thảo Luật này gồm: Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập;
Cùng với đó là các quy định về các loại hình cơ sở giáo dục; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách tín dụng sư phạm; về chính sách cử tuyển; về phổ cập giáo dục; về giáo dục hòa nhập; về chính sách tiền lương đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về giáo dục; về quản trị của cơ sở giáo dục;
Về đầu tư, tài chính trong giáo dục; thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông;
Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản.
Cùng với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 20/11 này cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khi vẫn còn ý kiến khác nhau về các quy định liên quan đến đào tạo chuyên sâu cho nhân lực ngành Y tế.
Luật Giáo dục đại học những nước nào đã được tham khảo?
Thực tế cho thấy, các quy định pháp luật giáo dục đại học của nước ngoài khá đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện. Các quy định về GDĐH có thể được xây dựng trong văn bản riêng (Luật GDĐH), hoặc được lồng ghép chung trong Luật Giáo dục, Bộ luật Giáo dục, hoặc có nước lại có nhiều đạo luật liên quan đến GDĐH (Nhật Bản).
Ban Soạn thảo dự án Luật sửa đổi lần này cho biết, với mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý để GDĐH phát triển tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và các nền GDĐH tiên tiến, Ban soạn thảo đã lựa chọn tham khảo các quy định về GDĐH của các nước đại diện điển hình, gồm:
Nhóm các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới, đại diện cho các châu lục như Hoa Kỳ (Châu Mỹ), Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên Bang Đức (Châu Âu), Úc (Châu Đại dương), Nhật Bản (Châu Á).
Nhóm các nước có nền kinh tế chuyển đổi tương tự Việt Nam, hệ thống pháp luật có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam (cùng thuộc hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa trước đây) là Liên bang Nga và Trung Quốc.
Nhóm các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan.
Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cũng tham khảo các quy định về GDĐH các nước khác trong quá trình nghiên cứu từng chế định trong Luật GDĐH như Anh, Nauy…
Hầu hết các nước không quy định về đào tạo chuyên khoa, nội trú cho nhân lực ngành Y
Về nội dung còn ý kiến khác nhau là đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành Y, Đại diện Ban Soạn thảo cho biết, trong số những nước nghiên cứu, hầu hết các nước không có quy định đặc thù về đào tạo chuyên khoa, nội trú trong Luật về GDĐH.
Các nước có nền GDĐH hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ không quy định về vấn đề này trong Luật GDĐH. Chỉ có 2 nước có quy định về đào tạo nội trú trong Luật, là Nga và Pháp.
Ở nước ta hiện nay, đã có nhiều luật chuyên ngành liên quan quy định về đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp đại học trong từng lĩnh vực như: Luật Luật sư quy định về đào tạo nghề luật sư, Luật Kiểm toán quy định về đào tạo nghề kiểm toán, Luật tổ chức toà án, viện kiểm sát quy định về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên…Trước đề xuất của Bộ Y tế về việc đưa đào tạo chuyên sâu cho bác sỹ ngành Y tế vào Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, Ban Soạn thảo đề xuất phương án Bộ chuyên ngành công nhận trình độ chuyên sâu của bác sỹ như Luật sư, Nhà báo, Kiến trúc sư...chứ không đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân.
Còn ở Trung Quốc, Luật GDĐH không quy định về đào tạo chuyên khoa, nội trú. Mặc dù Điều 19 Luật GDĐH có quy định có loại văn bằng tương đương tốt nghiệp đại học hay tương đương tốt nghiệp thạc sĩ nhưng đây là loại văn bằng mà người học có được không thông qua việc học chính thức ở các trường đại học, chứ không phải là việc công nhận tương đương cho bằng chuyên khoa, nội trú.
Ở Trung Quốc có hình thức tự học tự thi, người học không cần phải thi đỗ vào trường đại học để theo học chương trình đại học, thạc sĩ, nếu có trình độ, năng lực thì họ có quyền yêu cầu cấp văn bằng công nhận tương đương với trình độ mà họ có. Sau khi được thông qua hội đồng xét duyệt, người có văn bằng tương đương có thể đăng ký thi để học trình độ cao hơn.