Dự Hội nghị triển khai công tác 2013 của ngành Tòa án hôm qua (22/1), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW- nhấn mạnh, ngành Tòa án cần “tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm”.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Án bị hủy, sửa chưa giảm mạnh
Năm 2012, số lượng các loại vụ án mà ngành Tòa án phải giải quyết rất lớn (trên 360 nghìn vụ án), nhưng ngành Tòa án đã giải quyết được gần 333 nghìn vụ, đạt 92%; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội đúng pháp luật; việc giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính về cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Năm 2012, ngành Tòa án đã giải quyết trên 6 ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bằng 58%, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 933 vụ.
Khắc phục tình trạng án tuyên không rõ
Phát biểu tại Hội nghị, Chỉ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Tòa án trong năm 2012. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những tồn tại của ngành trong năm qua, trong đó “dư luận xã hội còn nhiều nghi ngờ về tính khách quan, nghiêm minh của hoạt động xét xử”.
Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; kiên quyết phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm; chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về tham nhũng. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu các Tòa án cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng, nâng cao bản lĩnh Thẩm phán; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; tranh tụng tại phiên tòa làm rõ sự thật về các tình tiết của vụ án là hết sức quan trọng để các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục cao.
Đồng thời, ngành TAND cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung pháp luật tố tụng phù hợp với quan điểm trong Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo hướng hoạt động xét xử phải công khai, minh bạch, đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể đối với hoạt động xét xử của Tòa án; quy định cụ thể vai trò Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Luật sư trong việc tranh tụng tại phiên tòa, cũng như trình tự, thủ tục tiến hành việc tranh tụng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý ngành Tòa án làm tốt công tác xây dựng ngành, tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ Thẩm phán, nhất là đối với TAND cấp huyện, tương lai là TAND sơ thẩm khu vực, nơi giải quyết phần lớn các loại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, tập trung để nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế tình trạng khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị tràn lan, gây quá tải cho tòa án cấp trên.
Ngành Tòa án cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp theo sự phân công của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đặc biệt là Đề án chi tiết thành lập TAND 4 cấp (TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, đổi mới tổ chức và hoạt động TANDTC) theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Đề án về cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của TAND…Chủ tịch nước tin tưởng “cùng với toàn Đảng, toàn dân, ngành TAND nhất định sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Thu Hằng