Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, sáng 10/10, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến đêm, ATNĐ đi vào các tỉnh, thành phố từ Hải Phòng đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8…Ngoài gió mạnh, hoàn lưu bão số 7 còn gây ra đợt mưa to đến rất to tại các tỉnh, thành phố thuộc phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa…
Đặc biệt, trên khu vực ngoài khơi Philippines đã xuất hiện cơn bão Kompasu di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục mạnh thêm. Khoảng đêm hôm nay (11/10) và sáng 12/10, bão sẽ đi vào khu vực Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021. “Đây là cơn bão có cường độ mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), có tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc khu vực Trung Bộ trong khoảng ngày 13 hoặc 14/10…”, ông Mai Văn Khiêm nói.
Đảm bảo an toàn cho người dân
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định bão Lionrock dù đã suy yếu thành ATNĐ và bão Kompasu sắp tới xuất hiện trong tình huống đặc biệt khi có Covid-19 và dòng người về quê khá lớn.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT giao trách nhiệm cho các địa phương không chủ quan vì nếu bão vào đúng tuyến đường người dân di chuyển thì phải làm sao để người dân có chỗ trú tránh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT yêu cầu các tỉnh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… tăng cường thông tin về tình hình mưa, bão, lũ, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người dân di chuyển trên các tuyến đường bộ qua khu vực miền Trung…
“Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới 4 tỉnh là TP HCM, Bình Dương, Long An, Bình Dương, nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới. Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai”, ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trước mắt, địa phương cần thiết lập các điểm tránh trú cố định cho người dân. Nếu không, các ngành chức năng cần có phương án chuẩn bị lều bạt để dựng điểm tránh trú di động, phục vụ, hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam ra. Đồng thời, người dân cũng cần được hỗ trợ về thức ăn, nước uống và các vật dụng thiết yếu để di chuyển an toàn những ngày tới.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, đến nay công an các tỉnh hiện đã huy động 3.000 chiến sĩ, 8.000 phương tiện dẫn đoàn, xe chở quân ứng trực trên 2.000 điểm xung yếu về giao thông để hỗ trợ người dân về quê. Lực lượng công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ của các địa phương để bố trí nơi trú tránh cho bà con cũng như sau khi bão tan thì bảo đảm cho bà con di chuyển an toàn.
Kêu gọi tàu, thuyền tránh trú an toàn
Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài cho biết, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn 61.468 phương tiện với 278.639 người. 8 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã cấm biển; hỗ trợ người dân chằng chống toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Để phòng tránh thiệt hại do cơn bão số 7, tại Nghệ An đến ngày 10/10 đã có 3.354 phương tiện/16.979 lao động về bờ neo đậu vào vị trí an toàn. Số tàu đang hoạt động trên các vùng biển là 84 phương tiện, với 211 lao động chủ yếu là khai thác ven bờ. Hiện các địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân khẩn trương di chuyển số tàu thuyền còn lại về bờ để tránh bão một cách an toàn. Tại khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do hoàn lưu của bão, tỉnh đã có phương án cần thiết di dời, sơ tán dân. 2 hồ chứa lớn nhất Nghệ An là hồ Vực Mấu và hồ chứa sông Sào tiếp tục được duy trì xả tràn theo quy trình, đảm bảo an toàn hồ chứa.
Tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án sơ tán dân ở vùng thấp trũng và những khu vực không đảm bảo an toàn nếu bão mạnh đổ bộ vào địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh có kế hoạch bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, nhà máy, các dự án đang thi công ven biển và hệ thống đê trên địa bàn, nhất là những vị trí đê xung yếu.
Còn tại Ninh Bình, lực lượng Biên phòng đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ không cho tầu thuyền ra khơi, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp tầu thuyền vào nơi neo đậu, bao gồm 135 phương tiện/435 thuyền viên. Các doanh nghiệp đang thi công công trình khu vực ven biển đã đưa phương tiện, máy móc, lao động vào nơi tránh trú an toàn.
Hôm nay (11/10), dự báo tỉnh Thái Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm. Nguy cơ cao gãy, đổ, ngập úng đối với lúa mùa đang chín, rau màu, cây vụ đông; ngập úng các vùng trũng thấp, ao, đầm nuôi trồng thủy sản và ngập úng đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thái Bình cũng đã di dời 706 lao động canh coi chòi ngao, nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn; toàn bộ số hộ lồng bè trên sông đã được thông báo và hướng dẫn chằng chống kịp thời…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu cần bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình đê điều xung yếu. Hỗ trợ bà con đẩy mạnh thu hoạch nông sản. Phòng chống thiên tai cũng cần lưu ý bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó cần “hết sức chú trọng khâu dự báo”, chất lượng dự báo bão lũ phải được quan tâm và nâng cao hơn, mặc dù đây là việc khó chứ không hề dễ. Tuy nhiên, không được dự báo quá. Tránh tình trạng dự báo bão quá mạnh, nhưng chẳng thấy đâu cả.
Cùng ngày Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Công điện 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành cần rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm (lưu ý phòng chống, dịch COVID-19); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ. Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố. Cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản và giao thông kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; bảo đảm an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.
Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu…