Đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, rất nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được đề ra nhưng việc triển khai chúng chưa nghiêm túc và hiệu quả chưa đúng với mong muốn.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Thi tuyển lãnh đạo công khai vẫn chỉ là cá biệt
Một trong những giải pháp được chú trọng hàng đầu thời gian gần đây, nhất là qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật PCTN, là phải công khai, dân chủ trong công tác cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số quy định về quản lý đảng viên, cán bộ, công chức (CBCC) theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở và tăng quyền hạn cho người đứng đầu. Chẳng hạn như, Quy định số 67-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ, Quy định số 68-QĐ/TW về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử (2 Quy định trên cùng được ban hành ngày 4/7/2007)…
Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo việc hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, đặc biệt là việc bổ nhiệm, tuyển dụng CBCC, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức cũng như chấn chỉnh việc thi tuyển, tiếp nhận, đào tạo CBCC. Một số bộ, ngành, địa phương còn ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ theo hướng đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ và của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác này chưa được khắc phục. Dư luận vô cùng bức xúc về nạn “chạy chức, chạy quyền” đang diễn ra ngày càng phổ biến. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) vẫn chỉ là cá biệt. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống.
Nể nang khi xử lý trách nhiệm của người đứng đầu
Nhằm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2006/NĐ-CP. Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 08/2007/TT-BNV hướng dẫn việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.
Một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận... cũng đã ban hành văn bản cụ thể hóa xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của các tỉnh ủy, thành ủy đều quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức triển khai công tác PCTN và phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Trong 5 năm 2007 - 2011, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đắk Lắk (38 người), Cao Bằng (31 người)…
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định. Song thực tế thực hiện gặp khó khăn, số người đứng đầu bị xử lý vẫn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý, còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu khi có sai phạm và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Có tình hình trên là do có sự nể nang, né tránh trong xử lý, cùng với những quy định về phân cấp và quản lý cán bộ hiện nay chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.
2.510 cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử
Trong đấu tranh PCTN 5 năm vừa qua, Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn việc xây dựng chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho CBCC, viên chức.
Điển hình là, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quốc hội thông qua Luật CBCC và Luật Viên chức; Chính phủ ban hành Nghị định về thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng…
Trên cơ sở đó, phần lớn các cơ quan ở Trung ương và các địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử của CBCC, viên chức. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Việc triển khai đã mang lại hiệu quả nhất định, đã có 451 CBCC nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị trên 1.798 triệu đồng; nhiều CBCC, viên chức kiên quyết không nhận quà tặng liên quan đến nhiệm vụ, công vụ và không nhận hối lộ; riêng lực lượng công an đã có hơn 57.000 lượt cán bộ, chiến sỹ không nhận hối lộ.
Tuy đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng thực tế một số CBCC trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ vẫn còn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân, nhất là tại cấp cơ sở. Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của 13.204 cơ quan, đơn vị trên cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý tới 2.510 CBCC, viên chức vi phạm.
Thục Quyên