Những ngày này, hàng trăm tiểu thương chợ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đứng ngồi không yên, vì thời gian mà huyện yêu cầu họ rời khỏi chợ chỉ còn vài ngày nữa, mà rời khỏi chợ rồi, họ chẳng biết tương lai của cả gia đình họ sẽ về đâu.
Phối cảnh TTTM Hiệp Hòa trên trang điện tử của tập đoàn HDB. |
Chợ thành Trung tâm thương mại…
Ngày 06/1/2012, UBND huyện Hiệp Hòa ra thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) thị trấn Thắng, theo đó dự kiến thu hồi khoảng 5.600m2 đất (toàn bộ là đất chuyên dùng) để thực hiện dự án, tại địa điểm là chợ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Địa điểm xây dựng chợ tạm là khu sân bóng trường Trung học cơ sở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa. Theo thông báo này, tháng 4/2012 sẽ di chuyển các hộ tiểu thương. Theo UBND huyện, thông báo này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn Thắng và các khu phố kể từ ngày 9/1/2012.
Tại Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chính, ban hành ngày 13/3/2012, UBND huyện Hiệp Hòa cho hay, ngày 8/3/2012, huyện đã tổ chức Hội nghị thông báo chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng TTTM Hiệp Hòa, với sự có mặt của đại diện nhiều phòng, ban của huyện, chính quyền các xã có liên quan, đại diện một số cty liên quan đến việc xây dựng chợ…
Theo đó, ông Nguyễn Văn Chính kết luận, để đạt được các tiêu chí xây dựng thị trấn Thắng mở rộng (vừa được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV) trong tương lai, việc xây dựng TTTM là rất cần thiết. “Từ tháng 4/2012, UBND huyện, Chi cục Thuế huyện sẽ không thu tiền thuê ki ốt, gian hàng, chỗ ngồi, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của các hộ đang kinh doanh trong khu vực chợ huyện, đề nghị các hộ kinh doanh trong chợ huyện chủ động bố trí di chuyển hàng hóa đến khu vực chợ tạm hoăc chuyển đến kinh doanh tại vị trí khác, trả lại mặt bằng cho UBND huyện thực hiện dự án xây dựng TTTM huyện Hiệp Hòa”.
Tuy nhiên, về cuộc gặp mặt này, bà Đỗ Thị Thanh – đại diện tiểu thương – chia sẻ, theo đề nghị của bà con, UBND huyện đã tổ chức một cuộc họp với bà con, nhưng tại cuộc họp này, chính quyền đã không nghe ý kiến, không trả lời các câu hỏi, không đáp ứng những yêu cầu chính đáng về quyền lợi của đa số bà con.
…Tiểu thương đi đâu?
Bà Nguyễn Thị Hồi, 60 tuổi, gần cả đời buôn bán ở khu vực này, kể ra tiền lệ về việc mua – thuê ki ốt ở chợ Hiệp Hòa, rồi cũng như hàng trăm tiểu thương khác ở chợ Hiệp Hòa, bức xúc với cách làm của huyện khi chuyện chợ tạm chưa đâu vào đâu, phương án đền bù chưa thỏa đáng đã ra thời hạn để tiểu thương dọn khỏi chợ. “Bà con đều nhất trí nếu chợ xuống cấp bà con cùng hùn tiền xây lại, nếu cần xây chợ to đẹp hơn bà con cũng đóng góp với nhà nước, nhưng đẩy bà con ra chỗ chợ tạm không đâu vào đâu rồi để mặc bà con tự tính toán tương lai làm ăn buôn bán thì bà con không nhất trí” – bà Hồi bày tỏ.
Chúng tôi đã tới thăm khu vực đang được UBND huyện cho xây dựng chợ tạm. Đó là khu vực đất bãi bóng của Trường THCS Đức Thắng. Trong thời gian tới, khi chợ tạm được chuyển về đây, hàng trăm hộ tiểu thương sẽ phải làm ăn buôn bán trên địa bàn quá bất tiện. Từ đường chính vào chợ phải đi qua lối ra vào nhỏ dài mấy trăm mét, xe chở hàng loại nhỏ cũng khó vào, và không thể đáp ứng được mật độ đi lại đông đúc.
Vị trí mà huyện chọn xây chợ tạm dù có khoản đất có thể sử dụng làm chợ trong thời gian nhất định nhưng rõ ràng là vị trí không hợp cho việc giao thương và không tiện cho nhu cầu mua bán hàng ngày của đông đảo người dân địa phương. Vì thế, tiểu thương có quyền lo ngại về tương lai việc làm ăn của họ, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hàng trăm gia đình.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bảo – Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hiệp Hòa, cũng khẳng định hợp đồng ký với các chủ hộ buôn bán giờ đã hết hiệu lực. Để di dời khỏi chợ, huyện tạo điều kiện xây chợ tạm. Sau này khi xây xong TTTM, bà con muốn quay lại kinh doanh tại dây phải làm việc với chủ đầu tư. Theo lời ông Trưởng phòng, có thể hiểu, phải “thuận mua vừa bán” với chủ đầu tư TTTM thì tiểu thương mới có cơ hội quay lại kinh doanh tại nơi cũ.
Ông Bảo cũng không chắc ai sẽ là chủ đầu tư TTTM khi nói “chưa chọn được chủ đầu tư”, tuy nhiên, trên trang điện tử của Công ty cổ phần Tập đoàn BHD, dự án này đang được giới thiệu là cơ hội đầu tư làm siêu thị tổng hợp và văn phòng cho thuê.
Trong đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, tiểu thương chợ huyện Hiệp Hòa bày tỏ,“lúc này, hơn 200 hộ đang kinh doanh buôn bán tại chợ, đi kèm theo đó là hàng ngàn nhân công, nhân khẩu chúng tôi đang mất ăn, mất ngủ vì có khả năng sẽ mất công ăn việc làm, mất hết nguồn thu nhập chính, hậu quả về an sinh xã hội đang dần hiện hữu là rất nghiêm trọng” – đại diện tiểu thương bày tỏ - “Chúng tôi mong muốn chính quyền dừng việc di chuyển và rà soát lại toàn bộ quá trình quy hoạch, di dời, chuyển đổi chợ huyện Hiệp Hòa hiện nay cho phù hợp”.
Bách Nguyễn