Sau đêm trắng săn chim, phóng viên thắc mắc với những thợ săn bản địa: “Những con chim này sẽ “về” đâu?”. Câu trả lời được đưa ra là: “Vào nhà hàng trên địa bàn tỉnh hoặc “xuất ngoại” sang Trung Quốc”...
Thay vì đến được với một vùng nắng ấm trong mùa di cư, những chú chim nào “trót” dừng lại nơi cánh đồng Yên Hưng thường được chuyển địa điểm di cư vào các... nhà hàng.
“Bình dân” ở lại...
Một bãi đất trống, mấy bà hàng buôn ngồi lại. Thêm mấy cái bao, mấy lồng chim lớn là thành một bãi thu mua chim. Đi quanh mấy xã như Tiền An, Yên Hưng một vòng, có thể quan sát thấy vài chợ chim tự phát như vậy.
Dừng chân lại một bãi thu mua chim tại đầu xóm Chùa, xã Tiền An. Chủ bãi là một phụ nữ tay chi chít những vết cào xước đã thâm lại thành sẹo - một đặc trưng của những người tham gia săn bắt, mua bán chim ở vùng Yên Hưng.
8h, người bán đã vãn dần, chỉ còn lại vài người mua. Trên nền đất, cả trăm con cò đen, cò trắng bị buộc lại với nhau. Trong cơn túng quẫn, chúng vùng vẫy trong vô vọng và mổ nhau đến mù cả mắt. Bên cạnh đó, mấy chú chim vạc, chim rẽ đất nằm bất lực trong một chiếc túi cước.
Theo lời kể của chủ bãi thu mua, việc thu mua chim từ các thợ săn thường bắt đầu từ 5h khi các buổi đi săn đã kết thúc. Ngày trước, khi còn ít người buôn thì người thu mua chim chỉ việc ngồi một chỗ rồi thợ săn chim đưa chim tới giao hàng. Tuy nhiên, vài năm gần đây số lượng người tham gia hoạt động này ngày càng nhiều vì họ nhận thấy việc mua chim rồi buôn đi, bán lại mang lại những nguồn lợi không nhỏ. “Hiện ở vùng này có hơn 20 người thu mua” - chủ bãi ước lượng.
Vừa thoăn thoắt mua bán chim, người phụ nữ này vừa vô tư kể: “Vài mùa gần đây, số lượng chim săn bắt được đã ít dần. Tuy nhiên, nếu có mối thì vẫn mua được tương đối. Thời gian sau rằm tháng 8 âm lịch vừa rồi, có ngày tôi mua được tới hơn 6 triệu đồng tiền cò, mỗi con giá 3.000 đồng, sơ sơ cũng được 2.000 con.
Thế mà, cũng chỉ hơn 8h là số cò này lại được tôi bán hết. Mỗi con cò bán ra có giá 4.000 đồng. Thường số có này được chuyển tới các nhà hàng trong huyện hoặc trong tỉnh. Các gia đình muốn đổi món cũng thường mua cò, nhưng chỉ mua cò đã vặt lông. Thế nên, tôi thường có một đội quân là trẻ con trong làng chuyên vặt lông cò, tiền công 500 đồng/con”.
Đi một vòng quanh chợ Rồng (chợ lớn nhất huyện Yên Hưng, nằm tại thị trấn Quảng Yên), chợ Tiền An, phóng viên tiếp tục được chứng kiến cảnh nườm nượp buôn bán chim trời. Chỉ riêng tại khu chợ Rồng, theo quan sát của phóng viên, đã có tới hơn chục người tham gia vào công tác trung chuyển chim di cư vào quán nhậu.
Làm một phép tính vội, chỉ cần mỗi thợ buôn này thu mua được vài trăm con chim (số lượng chim thu mua được trong một ngày săn... thất bát) thì số lượng chim trời bị tiêu diệt trên cánh đồng Yên Hưng mỗi buổi sớm mai lên tới cả chục ngàn con!
Xuất ngoại hàng “ngon”...
“Thế nhà hàng của mình chỉ mua cò thôi à? Mấy loài chim đắt hơn như vạc, bìm bịp, sâm Cầm, vịt trời thì ai mua?” - phóng viên hỏi một thợ bán chim.
“Dân mình chỉ ăn hàng bình dân như cò hoặc sang hơn nữa là rẽ gà, rẽ giun thôi. Thi thoảng mới có người mua vài con bìm bịp về ngâm rượu hoặc một con vạc về ăn. Thường thì, mấy loài đặc sản ấy được chuyển sang Trung Quốc hết...” -người phụ nữ thu mua chim đáp lại.
Các thợ săn chim và chủ thu mua mà phóng viên tiếp cận cho biết, những loại chim trời bắt tại đồng Yên Hưng được buôn sang Trung Quốc chủ yếu là vạc trắng, bìm bịp, sâm cầm, cuốc nước.
“Chim mua về chủ yếu làm đồ nhậu, nhưng mấy loài chim này giá “chát” lắm. Một con vạc nặng chừng 0,4 kg nhưng phải bỏ ra 70.000 đồng để mua. Những loài như bìm bịp, sâm cầm, vịt trời thì giá lên tới vài trăm ngàn đồng. Chỉ có bên Trung Quốc mua về làm đặc sản hoặc làm thuốc thôi” - người mua chim tại xóm Chàu, xã Tiền An cho biết.
Theo đó, chim trời bị bắt ở Việt Nam được chuyển sang Trung Quốc chủ yếu qua đường biên giới tại Móng Cái. Các thợ buôn chim tại đất Yên Hưng sẽ đi gom chim rồi thu về một mối để những chú chim này “xuất ngoại”.
Tuy nhiên, khi đi nhậu tại các nhà hàng chuyên kinh doanh chim trời nằm trên địa bàn huyện Yên Hưng thì khách có nhu cầu “chén” các loài chim đặc sản như vạc, sâm cầm vẫn được đáp ứng đầy đủ. Giải thich về điều này, các thợ buôn cho biết: “Thường thì khách hàng phải dặn trước mới có. Tuy nhiên, đa số chim đó được mua lại từ... Trung Quốc. Thời gian gần đây, nhiều thợ buôn sau khi xuất chim "xịn" sang Trung Quốc xong đã phải nhập lại vạc, bìm bịp, sâm cầm, vịt trời về từ nước bạn. Tuy nhiên, loại chim này thường béo mũm vì nó được nuôi bằng thức ăn công nghiệp”.
Thọ Phước - Văn Minh
(Bài sau: Vô trách nhiệm!)