Theo đó, các cơ quan THADS cần tổ chức thực hiện có hiệu quả, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp với các ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác phối hợp THADS, thi hành án hành chính ở cấp trung ương và địa phương, đặc biệt là phối hợp trong hướng dẫn nghiệp vụ, cưỡng chế thi hành án và thống kê liên ngành. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính; kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo cơ quan THADS; chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn và tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua cơ quan THADS các cấp đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phối hợp và đạt được những kết quả tích cực. Tại Đà Nẵng, sau khi tiếp nhận Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao, Cục THADS thành phố Đà Nẵng và VKSND thành phố Đà Nẵng và các ngành liên quan đã xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành và tổ chức quán triệt hai cấp thực hiện. Nhờ vận dụng linh hoạt với tình hình thực tiễn tại địa phương, việc ký kết và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp đã mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành án, giải quyết được nhiều vụ việc thi hành án tồn đọng và phức tạp.
Nhìn chung, cơ quan THADS và VKSND hai cấp của thành phố đã phối hợp hiệu quả trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp mới nảy sinh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. Các vụ có kê biên cưỡng chế được đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra sai phạm gì, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Tương tự, tại Kiên Giang, sau 5 năm thực hiện Quy chế liên ngành, công tác phối hợp trong THADS giữa các cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo thi hành án chặt chẽ, đúng quy định. Các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 20.125 bản án, quyết định của TAND để tổ chức thi hành; xét miễn giảm thi hành án các khoản nộp ngân sách cho 856 trường hợp, với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. VKSND các cấp tham gia tích cực đối với các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành, xem xét xác định nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết giúp cho cơ quan THADS chủ động họp liên ngành xem xét, chỉ đạo giải quyết gần 400 vụ việc. Phân công kiểm sát viên tham gia kiểm sát cưỡng chế trên 1.700 cuộc. Cơ quan Công an đã thu tiền, tài sản của phạm nhân hơn 1.800 trường hợp, với số tiền gần 4,5 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Phát huy kết quả đạt được, cơ quan THADS và các cơ quan liên quan sẽ tập trung đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho phạm nhân và thân nhân của họ. TAND hai cấp thực hiện kịp thời, đúng thời gian hơn các quy định về giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định tuyên án không được rõ, khó thi hành và trả lời các kiến nghị, thụ lý và giải quyết các vụ có kê biên tài sản có tranh chấp. VKSND hai cấp thực hiện tốt công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát các THADS ở các cấp, giúp cơ quan thi hành án các cấp kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án địa phương.
Ngoài ra, tại các địa phương khác, cơ quan THADS cũng đã chủ động ký kết các quy chế phối hợp và đem lại hiệu quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ như: Quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh Tuyên Quang và Trại giam Quyết Tiến thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an; Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo, cưỡng chế THADS ở cấp huyện giữa Cục THADS tỉnh và VKSND tỉnh Điện Biên; Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục THADS và TAND tỉnh Nghệ An; Quy chế phối hợp trong công tác THADS giữa Chi cục THADS và Viện KSND huyện Lâm Thao (Phú Thọ)…
Thông qua triển khai các quy chế phối hợp giúp tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa hai cơ quan, bảo đảm sự thống nhất từ tỉnh đến huyện, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án. Từ đó góp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Tổng Cục THADS giao hàng năm.