Hiện nay, tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, người dân không chỉ đối mặt với ô nhiễm không khí mà còn phải chịu sức ép từ ô nhiễm tiếng ồn. Một số đoạn đường lưu lượng phương tiện ít nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen bấm còi khiến nhiều người bức xúc.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, đã có một số vụ va chạm dẫn đến chết người do tiếng còi xe liên tục; có những nạn nhân tử vong oan uổng bởi tiếng còi ô tô bất ngờ, âm lượng lớn...
Theo anh Nguyễn Thành Công, Cục CSGT, mặc dù quy định của pháp luật đối với việc sử dụng còi xe đã tương đối đầy đủ nhưng thực tế, việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm quy định về còi xe còn nhiều khó khăn do trong quá trình phát hiện, xử lý phương tiện giao thông lực lượng chức năng còn thiếu các thiết bị đo âm lượng.
Ngoài ra, tại nhiều khu vực, nút giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện lớn, việc xử phạt rất dễ gây ra ùn tắc giao thông. Cùng với đó, mức phạt còn thấp.
Cần quy định cụ thể về những trường hợp được sử dụng còi, cách thức sử dụng và đơn vị chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý; nghiên cứu, tăng mức phạt đối với chủ phương tiện sử dụng còi cũng như người bán các loại còi không đúng quy định, bảo đảm đủ sức răn đe. Bên canh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, thiết bị đo âm lượng, phương tiện đo độ ồn,… giúp cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ.
Các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, các cơ sở xản xuất, bày bán các loại còi không đúng quy định…
"Cái còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào không phải là chuyện nhỏ. Việc sử dụng còi xe hợp lý cũng là một nét văn hóa, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần tạo nên môi trường sống an toàn và văn minh", anh Nguyễn Thành Công nhận định, đồng thời cảnh báo: "Những vụ tai nạn thương tâm sẽ còn xảy ra nếu nhận thức cũng như việc sử dụng còi xe của người tham gia giao thông còn tùy tiện, bừa bãi và cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm".
Khoản 12 và 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm các hành vi: Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, bấm còi hơi trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó Mục 1 Chương II quy định xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm g khoản 1 Điều 5); từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm b khoản 3 Điều 5). Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm n khoản 1 Điều 6); từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm c khoản 3 Điều 6).