"Chàng nghiện" đoạn tuyệt khói thuốc làm công an

Được vận động đi cai nghiện, anh Lô Văn Chung, người dân tộc Thái, thôn Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), đã tuyệt được thuốc phiện và làm lại cuộc đời.

Được vận động đi cai nghiện, anh Lô Văn Chung, người dân tộc Thái, thôn Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), đã tuyệt được thuốc phiện và làm lại cuộc đời.

“Xuất ngoại” hút thuốc phiện

Trước những năm 1990 – 1991, phần lớn người dân ở các bản làng thuộc huyện miền núi huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, không có công ăn việc làm, nên đã tận dụng những sản vật của rừng để mang sang Lào bán... Thời đó, anh Lô Văn Chung (sinh 1964, dân tộc Thái) cũng như nhiều thanh niên trong thôn, bản, gùi măng rừng do anh cùng vợ con hái được bán cho người Lào.

"Chàng nghiện" đoạn tuyệt khói thuốc làm công an ảnh 1
Anh Lô Văn Chung đoạn tuyệt thuốc phiện, xây được nhà sàn to nhất bản.

Thế rồi, trong những lần sang Lào, anh cùng hàng trăm người đàn ông khác dần dà quen mùi khói thuốc phiện người Lào sử dụng, thử hút rồi nghiện khi nào không hay. “Khi đó, tui cũng như mấy anh em khác, qua đó ngửi thuốc rồi người này hút, người khác hút rồi theo nhau, ai không hút mới là chuyện lạ. Nên nghiện khi mô không hay. Lúc đầu 1 tháng qua 2, 3 lần rồi sau nghiện nặng, mấy anh em lập luôn cái bàn đèn mua thuốc về dùng tại nhà”, anh Chung kể lại. Anh vượt qua ngọn núi Pha Cà Tún cao chót vót mất mấy ngày đường chỉ để bán măng rừng mua thuốc phiện về dùng.

Thời điểm đó, cả xã Châu Kim có đến hàng trăm người nghiện thuốc phiện, chủ yếu là hút, đàn ông trong xã, thôn khi đi mang hàng hóa, vải vóc sang Lào, về mang ma túy, không lo gì đến kinh tế gia đình. Nhiều nhà đã phải bán hết trâu bò để cho các ông chồng “nướng” vào khói thuốc, gia đình anh Chung nằm trong diện đó. Cả nhà có 3 con trâu to, vợ chồng anh nuôi để sau này góp vốn làm nhà cũng bị bán để mua thuốc. Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, sức khỏe ngày càng giảm sút khi không chịu làm gì ngoài ăn, ngủ và hút thuốc phiện...

Giã từ khói thuốc

Đến năm 1994, khi có cuộc vận động cai nghiện thuốc phiện cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại huyện Quế Phong. Anh Chung được người nhà và vợ con khuyên nhủ, động viên mãi để đăng ký đi cai nghiện. Tại trung tâm cai nghiện ma túy của huyện Quế Phong điều trị gần 1 tháng, anh được trả về nhà tự cai. May mắn là anh đã sớm nhận ra được tác hại đáng sợ của ma túy, và những hậu quả kinh hoàng do nó gây ra. Anh Chung quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy sau khi đi cai nghiện về.

Anh đã quên đi thuốc phiện để sống và đối đầu với nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi phải bắt đầu làm ăn kinh tế để nuôi gia đình trong thời gian nghiện ngập tàn phá. Trong thôn bản ma túy còn rất nhiều, người nghiện ma túy lại càng nhiều hơn. “Sau khi cai nghiện ma túy về, nhiều người trong thôn đến rủ rê tui hút lại. Có một lần họ nhờ tui đến nhà với cái cớ là viết cái đơn trình báo mất trộm con trâu. Tui đến đầu cổng đã nghe mùi thuốc phiện bay ra nồng nặc, và hiểu là họ lại rủ rê. Tui vô nhà không ai nhờ viết đơn mà có mấy bàn đèn đã châm thuốc và một mân rượu. Họ mời tui uống rượu cho say để dùng ma túy nhưng tui đã nhanh chóng thoát ra khỏi cái bẫy đó”, anh Chung tâm sự.

Sau 6 tháng vật vã, anh đã cai nghiện hẳn và muốn góp sức cai nghiện cho những người bạn, những người thân, bà con hàng xóm của mình… Anh được thôn xóm tin yêu bầu làm công an viên của bản từ năm 1998. Năm 2002 – 2010, anh làm xóm trưởng và công an xóm để góp phần bảo vệ an ninh thôn xóm và giúp nhiều người cai nghiện ma túy. Nhiều người đến hỏi và xin anh tư vấn cách cai nghiện ma túy. Có 6 người được anh hướng dẫn cai nghiện thành công, tham gia cưỡng chế nhiều đối tượng đi cai nghiện. 

Anh Vi Đức Sê, Trưởng công an xã cho biết: “Anh Chung thuộc dạng nghiện nặng trước kia nhưng có quyết tâm tốt trong việc bài trừ ma túy. Mấy năm nay anh làm công an viên, xóm trưởng đều giúp địa phương khuyên can nhiều người thoát khỏi ma túy. Anh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của cả thôn…”.

Ngô Văn

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Đắk Lắk cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây xanh theo yêu cầu của Bộ Công an

Một khu phố xanh tại đô thị TP. Buôn Ma Thuột.
(PLVN) -Ngày 5/5, sau yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu hồ sơ liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các đơn vị hữu quan tổng hợp, báo cáo tỉnh để cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan ANĐT.