Bài cuối: Kiếm vàng từ Biển bạc
“Từ chỗ đi học nghề câu của Đài Loan, bây giờ tàu cá Đài Loan họ học lại cách thức đánh bắt của mình Vì mình biết cách đón đầu con cá từ các châu lục khác đến biển nước ta ngay từ đầu vụ. “Trận địa” của ngư dân mình giờ đánh ở nước sâu hơn, bắt được cá ngon hơn” - ông Huỳnh Phi Minh, thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương TP.Nha Trang - tiết lộ.
“Mai phục” giữa Biển Đông
Ông Minh làm nghề câu cá ngừ từ buổi ban đầu, đến giờ được xếp hạng là một trong những người có nhiều kinh nghiệm phán đoán, tổ chức đón đánh những đàn cá ngừ từ Thái Bình Dương di chuyển vào biển Đông. Mỗi chuyến đi biển, ông Minh đánh đạt từ 1,5 - 2 tấn cá ngừ, với giá cá bán nguyên con như hiện nay thì tổng thu 200 - 250 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của thuyền trưởng Minh, khi cơn bão cuối của mùa mưa bão tan vào thời điểm tháng 11 - 12 âm lịch cũng là lúc cá ngừ bắt đầu di cư vào vùng biển Đông nước ta, từ vĩ tuyến 14 - 18 (từ Đà Nẵng đến Quảng Bình).
Niềm vui trúng cá
“Thời điểm này, gió mùa đông bắc thổi liên hồi, ở giữa biển gió lúc nào cũng giật cấp 6, cấp 7, tàu mình phải chạy ngược sóng lên phía Bắc để đón cá từ eo đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi chếch vào. Đi ngoài khơi, tàu phải có công suất 160 mã lực trở lên mới họa may chống chọi lại. Nhiều khi gió to quá chịu không nổi phải ngừng câu, tìm vào đảo núp một vài ngày, thấy hơi chịu chịu mới quay ra thả câu. Thời điểm này, cá đang đói bụng, mồi câu bỏ xuống là đớp ngay. Sang tháng 2, 3, 4,… cá tụt dần xuống ngư trường Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi “chạy theo” xuống gần Phú Quốc” - thuyền trưởng Minh nói. Bắt được con cá ngừ ngoài đại dương thật không dễ dàng chút nào.
Ngư dân Trần Văn Xê - phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên hé một thông tin rất thú vị: “Ngoài Biển Đông, cá ngừ nhiều vô kể, có bận tui tận mắt thấy cá nổi lên mặt nước dày đặc, rộng khoảng 3km2. Những lúc này cá không bao giờ ăn mồi, cho dù có quăng mồi xuống trước miệng nó cũng không thèm. Thấy vậy, tàu cá bủa câu mai phục ngay tại vùng đó 4 - 5 ngày, có khi trúng đậm.”.
Nhiều ngư dân đã phát hiện ra đặc tính con cá ngừ đại dương chịu nước biển lạnh hơn chịu nước nóng, vừa chạy vừa ăn mồi… Những phát hiện này đã giúp ngư dân điều chỉnh các phương pháp đánh bắt hiệu quả nhất.
“Sóng to, gió lớn mình đừng sợ mà bỏ chạy, hãy kiên trì mai phục tại trận địa. Hết gió, sóng biển tạm êm, cá đang đói bụng, thả mồi câu xuống là đớp ngay, chắc chắn sẽ trúng lớn. Đến bây giờ tui có rất nhiều tọa độ đánh bắt “giấu” ngoài biển” - ông Xê tỏ vẻ mình như một “đài” quan sát cá. Tôi hỏi ngược lại: “Con cá ngừ đi giữa đại dương rộng lớn, mức nước sâu 1.000 - 2.000 mét, đâu có phải như con cá rô trong ao để anh xác định được vị trí của nó một cách dễ dàng?”.
Như điểm đúng “huyệt”, vị thuyền trưởng giàu kinh nghiệm đưa ra mấy chi tiết quí báu: “Điểm mấu chốt nằm chỗ đấy. Ai giàu to, ai thắng lớn là từ đúc kết kinh nghiệm hàng năm, rút tỉa hình thành cẩm nang của mỗi tàu. Nói nhiều anh khó hiểu, tui nói một cách dễ hiểu như thế này: Năm nay tui đánh ở điểm A trúng lớn, tọa độ A hiện lên màn hình máy định vị vệ tinh toàn cầu, tui phải nhớ chính xác trong đầu. Năm sau, vào đúng thời điểm này, tui đưa tàu ra đánh bắt ở tọa độ A năm trước, thế là trúng lớn. Nếu có xê dịch chỉ 2 - 4 ngày, thuyền trưởng động viên lao động cương quyết chờ đợi cá đến. Vì con cá ngừ luôn luôn đi theo dòng hải lưu và di chuyển kiểu vòng xoáy lò xo, không bao giờ di chuyển nhanh. Nhiều lần mấy cha con tui đi chệch vị trí, thế là hiệu quả đánh bắt thấp, bị lỗ nặng, tui coi đó là tiền học phí “trường đại học thực tiễn” trên biển”.
Muốn lừa được những con cá ngừ nặng 1 - 2 tạ ăn mồi cũng không dễ chút nào. Phải qua cả một thời gian dài hoạt động trên biển, ngư dân mới phát hiện miếng mồi nào cá ngừ thích ăn nhất. Cũng dựa vào đặc tính của cá, các lão ngư Phú Yên, Khánh Hòa đưa ra “thế” móc mồi vào lưỡi câu để khi cá ăn vào sẽ mắc lưỡi câu ngay dưới mép mà không thể nào vùng vẫy ra được.
Trước kia, người ta thường sử dụng cá mồi không tươi, cá ngừ “chê” nên sản lượng không cao, có nhiều khi bị thua lỗ nặng, nhưng riêng ông Trần Như ở phường Phú Lâm, Tuy Hòa đi chuyến biển nào cũng trúng 1- 2 tấn cá ngừ. Ông Như giấu nghề không cho ai biết thủ thuật kỳ diệu đó như thế nào.
Ông T.G.R. kể: “Gần như tàu đi câu nào cũng bị thất bại, duy nhất chỉ có ông Như là trúng lớn, tui cho người trinh sát xem ổng câu mồi gì? Thì ra ông Như câu toàn mồi mực tươi, bà con làm theo nên tàu nào cũng trúng”.
Đường về của cá Ngừ
Nhờ những sáng tạo từ thực tiễn, ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là những địa phương có nghề câu cá ngừ đại dương phát triển đạt đến trình độ chuyên nghiệp cao. Chỉ riêng hai phường (Phú Lâm và phường 6) TP.Tuy Hòa đã có gần 400 tàu câu cá ngừ đại dương, sản lượng hàng năm đạt mấy nghìn tấn cá, được xếp đầu bảng về số lượng và kỹ thuật đánh bắt.
Đưa cá lên xe đông lạnh để chuyển đến sân bay xuất sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Tại cảng cá Tuy Hòa, có 5 DN chuyên thu mua cá ngừ đại dương, sơ chế rồi đưa ngay lên xe đông lạnh chở vào TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Văn Lợi - Giám đốc DNTN Lợi Anh - cho biết “lịch trình” cá con ngừ xuất ngoại: “Thị trường tiêu thụ cá ngừ đại dương của Việt Nam chủ yếu là Mỹ và Nhật Bản, xuất khẩu dưới dạng nguyên con, bằng đường hàng không. Cá vào tới TP.Hồ Chí Minh, qua công đoạn sơ chế lại và đóng thùng. Nếu xuất sang thị trường Mỹ thì phải cắt bỏ đầu, bỏ đuôi để giảm cước phí máy bay (người Mỹ không ăn đầu); còn qua thị trường Nhật Bản thì để cả đầu, đuôi. Tính từ thời điểm lên được cảng Tuy Hòa… sau 36 giờ, con cá ngừ của ngư dân Phú Yên đã “đổ bộ” lên thị trường Mỹ; còn thị trường Nhật chỉ trong vòng 24 giờ, cá đã vào các hệ thống siêu thị rồi”…
Như bất cứ nghề nào, sau những gian truân của thuở ban dầu, nay thì các ngư dân thông minh, chịu khó của miền Trung đang từng ngày cần mẫn làm giàu từ biển, góp phần làm nên danh tiếng của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phóng sự của Hải Luận