Thống kê cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8/2012, tại Sao Paulo đã có 3.109 dân thường thiệt mạng. Nhiều người Brazil cho rằng chính lực lượng cảnh sát nước này đang lạm dụng quyền lực mà họ có trong tay dẫn đến việc giết người dân thay vì bảo vệ họ.
Một nhóm cảnh sát tại Sao Paulo. Ảnh: Guardian |
Một buổi sáng tháng 5/2012, khi Edilson Avelino de Sales vừa đến ngôi trường mà ông đang làm bảo vệ thì đã có 5 người đàn ông với súng trường và súng lục lăm đứng đợi sẵn. Sales mới nghĩ đến việc lấy khẩu súng mà ông đang mang theo với mục đích tự vệ thì đã bị bắn nhiều phát vào người và tử vong.
Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của Sales không phải vì những mâu thuẫn tại trường Guaruja, một thành phố ven biển ở bang Sao Paulo. Bởi ngoài công việc bảo vệ, Sales còn là một cảnh sát viên. Anh ta cũng là một trong số 80 cảnh sát đã thiệt mạng kể từ đầu năm đến nay trong cuộc chiến đang ngày càng khốc liệt giữa cơ quan đại diện cho luật pháp và các băng đảng tội phạm tại Sao Paulo.
Chỉ riêng cuộc xung đột giữa cảnh sát và băng nhóm tội phạm có tên Tư lệnh số 1 của thủ đô (PCC) trong vòng vài tuần đã cướp đi mạng sống của 4 cảnh sát viên và 12 dân thường tại 4 thành phố thuộc Sao Paulo.
Hầu hết các cảnh sát đều bị phục kích ngoài giờ làm việc, thường là khi họ đang trên đường về nhà. Các cơ quan công tố và cảnh sát ở Sao Paulo đều cho rằng PCC là thủ phạm trong hầu hết các vụ giết hại những cảnh sát viên nhưng trước công chúng thì nhà chức trách chỉ đề cập chung chung là các băng đảng tội phạm.
PCC lần đầu được biết đến tại các nhà tù ở Sao Paulo vào những năm 1990, với mục tiêu bảo vệ các tù nhân trước tình trạng lạm dụng của các nhà chức trách. Tuy nhiên, nhóm này sau đó nhanh chóng mở rộng thành một băng nhóm tội phạm có tổ chức, chủ yếu trong lĩnh vực buôn bán ma túy. Chính băng nhóm này đã gây ra cuộc bất ổn tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Sao Paulo hồi năm 2006, làm tê liệt thành phố và dẫn đến cái chết của gần 500 dân thường và 50 nhân viên an ninh.
Nhưng đến giai đoạn gần đây thì phản ứng của cảnh sát trong cuộc xung đột này mới là điều gây lo ngại nhất. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, có một thông lệ là cứ vài giờ sau khi mỗi cái chết của một cảnh sát lại có vài người dân thường bị những người đàn ông bịt mặt giết hại một cách ngẫu nhiên.
Thống kê cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8/2012, tại Sao Paulo đã có 3.109 dân thường thiệt mạng, tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong tháng 9/2012, có 144 người thiệt mạng và chỉ trong vòng 15 ngày, từ cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 11/2012, đã có ít nhất 140 người trở thành nạn nhân trong cuộc chiến giữa tội phạm và cảnh sát.
Ngày càng xuất hiện những nghi vấn cho rằng những cảnh sát có liên quan đến những cái chết của thường dân. “Không thể phủ nhận rằng có những mối liên hệ giữa cái chết của dân thường và cảnh sát. Đây không phải là những sự việc không có liên quan gì đến nhau” – ông Marcio Christino – một công tố viên làm việc tại bộ phận hình sự ở Sao Paulo nói. Nhiều người cho rằng, dường như chính một số cảnh sát đang tìm cách trả đũa bằng pháp luật mà họ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, ông Antonio Ferreira Pinto – người đứng đầu lực lượng an ninh Sao Paulo khẳng định rằng các băng đảng tội phạm mới chính là thủ phạm trong các vụ giết hại dân thường và chúng đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn để tiến hành các vụ tấn công rồi đổ lỗi cho cảnh sát.
Cựu Bộ trưởng An ninh quốc gia Luiz Eduardo Soares – hiện đang là một giáo sư tham gia giảng dạy tại trường đại học Estacio de Sa – cho biết, tình trạng đột biến các vụ bạo lực cũng đã từng xảy ra trước đây tại Sao Paulo.
“Gốc rễ của vấn đề là ở sự thiếu quản lý của cảnh sát. Cùng với đó là sự khoan nhượng của giới chức cơ quan thực thi pháp luật vốn được giới chính trị gia ủng hộ cảnh sát dùng bạo lực chết người hòng thực hiện một cách hiệu quả cuộc chiến chống tội phạm” – ông Eduardo Soares nói.
Minh Ngọc (theo BBC)