Còn đó những huyền thoại
Vài năm trước, đến Lập Lễ, xã miền biển có nghề đánh cá truyền thống từ hàng ngàn năm trước, chúng tôi đã choáng ngợp trước “làng quê” ken dày biệt thự và những xưởng đóng tàu trọng tải lớn…
Ở vị trí đoạn sông Bạch Đằng đổ ra cửa biển Nam Triệu chảy quanh co uốn lượn, nhô ra một khoảnh đất hình đầu con rồng. Cảng cá được xây dựng vào đúng vị trí mắt của con rồng, nên từ xưa người dân vẫn quen gọi là Cảng cá Mắt Rồng.
Trong lịch sử, từng ba lần giặc phương Bắc dẫn quân qua cửa Nam Triệu vào sông Bạch Đằng xâm lược nước ta. Người dân Thủy Nguyên khi xưa, trong đó có những người con của Lập Lễ trong đội thủy binh cùng tham gia đánh chặn giặc, góp sức cùng quân dân ta tạo nên kỳ tích các trận chiến trên sông Bạch Đằng. Gần mười thế kỷ đã qua, chiến thắng Bạch Đằng giang không chỉ là niềm kiêu hãnh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà còn là nỗi ám ảnh của mọi thế lực xâm lược…
Ông Vũ Văn Cự, Trưởng tập đoàn đánh cá Nam Triệu cho hay, ở miền biển này, bắt đầu từ nghề xăm đáy, rồi nghề lưới cước từ những người Việt gốc Hoa kiều du nhập để hình thành nghề lưới đối, lưới mòi… là những lưới đánh bắt cá đầu tiên. Về sau, một số ngư dân Lập Lễ làm ra lưới nhám, lưới sủ chuyên để đánh bắt loài cá to. Bởi thế, những câu chuyện về săn cá dữ, cá quý ở Lập Lễ đã đi vào huyền thoại… Đó là ông Đinh Ngọc Bút, ngư phủ một thuở nức tiếng. Từ năm đầu những năm 80, ông Bút đã cùng một số ngư dân giong thuyền buồm đến vùng biển Hòn Mai, Hòn Mác (Quảng Ninh), phát hiện nhiều cá mập, nhất là từ đảo Cô Tô trở ra khoảng 30 hải lý.
Cảng cá Mắt Rồng tại xã Lập Lễ có số tàu đánh bắt xa bờ, vươn khơi lớn nhất miền Bắc. (Ảnh: Quốc An). |
Những con cá nhám mập câu được, bé thì cũng nặng từ 50-80kg, có những con nặng tới vài tạ. Câu cá mập sẽ luôn phải đối diện với nguy hiểm nên về sau, ngư dân Lập Lễ chuyển sang đánh bắt bằng bủa lưới vây nên có phần an toàn hơn… Thời kỳ đấy, người “khai sinh” ra nghề lưới cá mập là lão ngư Đinh Khắc Vuông, ở thôn Bảo Kiếm.
Tiếp đến là lão ngư Nguyễn Đức Kiến “vua sủ vàng”. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã có lần ông Kiến cùng các ngư phủ thả lưới ở vùng cửa biển Hoàng Châu (Cát Hải). Khi lưới vừa nổi lên mặt nước, có 39 con cá sủ vàng kép, con to nhất ước chừng trên 60kg, con nhỏ hơn 20kg, đặt lên cân ngót gần một tấn. Ngày ấy, bà con trong làng đổ ra xem đứng chật cả bến cá.
Ngoài ra, nghề đóng tàu ở Lập Lễ có từ xa xưa. Trước kia, các nghệ nhân Lập Lễ chuyên đóng thuyền buồm. Khoảng từ năm 1970 chuyển sang đóng tàu gỗ chạy máy, chủ yếu đóng tàu đánh cá và câu mực. Các nghệ nhân ở Lập Lễ từng đạt kỷ lục đóng con tàu gỗ dài 36m, nặng 400 tấn, trị giá trên 22 tỷ đồng. Đó là nghệ nhân Đinh Khắc Nhân, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) đóng tàu. Năm 1996, HTX của ông đóng 8 tàu vươn khơi đầu tiên của Hải Phòng. Những năm cuối thế kỷ 20, ông cùng tàu gỗ của HTX sang Pháp tham gia hội chợ tàu biển thế giới, ghi dấu ấn cho Cảng cá Mắt Rồng thời bấy giờ…
Và Cảng cá Mắt Rồng lớn nhất miền Bắc
Một tàu cá vừa cập bến, sản lượng hải sản đã được người dân và thương lái thu mua tại tàu. (Ảnh: Quốc An). |
Theo ông Cự, nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản của Lập Lễ trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm. Khi có chủ trương vươn khơi, từ năm 1996, Bộ Thủy sản đã xem xét và quyết định đầu tư đóng 8 tàu vươn xa đầu tiên, công suất máy 105 mã lực với công nghệ “lưới chụp mực kết hợp ánh sáng” từ Trung Quốc. Giai đoạn phát triển nhất của nghề này là năm 2000 - 2002, có hơn 200 tàu vươn khơi công suất máy từ 40 - 200 mã lực. Thời kỳ này được người dân Lập Lễ coi đây là thời hoàng kim, nếu tính tàu từ máy 6 mã lực trở lên, Cảng cá Mắt Rồng là nơi neo đậu của hơn 800 tàu cá.
Thế nhưng, sau COVID-19, đến nay chỉ còn khoảng 400 tàu và con số đó có nguy cơ còn giảm nữa. Bởi hiện Lập Lễ thiếu nhân lực đi biển, ngư dân vươn khơi chỉ đáp ứng được 20-30%... Tuy nhiên, có những hộ có khả năng kinh tế lại đóng tàu hiện đại hơn, vươn khơi xa hơn; nhiều tàu có công suất lớn từ 400 - 500 mã lực nên việc đánh bắt hải sản cũng hiệu quả hơn.
Ông Cự cho biết, chủ trương của TP Hải Phòng sẽ xây dựng cảng cá lớn nhất khu vực phía Bắc tại Lập Lễ, chếch cảng Mắt Rồng lên một chút. Hiện nay, Thủy Nguyên có mức thu ngân sách lớn nhất các huyện của Hải Phòng, có thể sánh với các quận trong thành phố. Huyện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài của Nhật, Hàn Quốc… vào đầu tư làm ăn. Hải Phòng đang tập trung triển khai Dự án di dời trung tâm thành phố về Thủy Nguyên, xây dựng khu đô thị hành chính mới. Cảng Mắt Rồng cũng có số tàu đánh bắt xa bờ, vươn khơi lớn nhất ở miền Bắc.
Hy vọng một ngày không xa, Mắt Rồng sẽ sầm uất hơn xưa, bởi mỗi con tàu khơi xa là một cột mốc trên biển…
Sẽ thành lập TP Thủy Nguyên vào năm 2025
Ngày 02/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện để mở rộng quận Hồng Bàng, thành lập quận An Dương và TP Thủy Nguyên.
TP Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000 ha, định hướng là đô thị loại 3 vào năm 2025, hướng tới đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố.