Đối tượng khảo sát bao gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Trung tâm TGPL, các Trưởng Chi nhánh của Trung tâm (nếu có), Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý đang làm việc tại Trung tâm, cộng tác viên TGPL. Việc khảo sát tập trung vào một số nội dung chính như thực trạng biết tiếng đồng bào DTTS của người thực hiện TGPL; lấy ý kiến về thủ tục TGPL lưu động cho người DTTS (có bắt buộc phải có đơn đề nghị TGPL không), về địa điểm thuận lợi để TGPL cho đồng bào, có nên quy định trình tự, thủ tục TGPL riêng cho người DTTS không, hình thức xác nhận người thuộc diện được TGPL là đồng bào DTTS…
Khảo sát được thực hiện 2 tỉnh, trong đó phát phiếu tại Quảng Nam và trực tiếp phỏng vấn sâu bằng bảng hỏi tại Nghệ An. Kết quả khảo sát cho thấy, về thủ tục tiếp nhận yêu cầu TGPL của người DTTS hiện nay thì 17,5% cho rằng đơn giản, thuận tiện và 65% đánh giá là bình thường. Có 17,5% cho rằng vẫn còn phức tạp, gây khó khăn, cản trở mà lý do chính là việc áp dụng máy móc việc chứng minh người thuộc diện được TGPL. Theo họ, trong nhiều trường hợp chỉ cần xác minh bằng địa chỉ hoặc bằng bản án.
Về việc bắt buộc người DTTS phải có đơn đề nghị TGPL tại buổi TGPL lưu động, hầu hết người được hỏi yêu cầu thay bằng đơn đề nghị, người DTTS chỉ cần ký tên hoặc điểm chỉ vào Phiếu thực hiện TGPL. Đối với hình thức xác nhận diện được TGPL cho người DTTS trong các đợt trợ giúp lưu động, 85% đối tượng khảo sát cho rằng chỉ cần xác nhận của UBND xã cho toàn bộ danh sách người được TGPL nhằm đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người DTTS.
Còn đánh giá về công tác TGPL cho đồng bào, một nửa ý kiến “chấm điểm” ở mức bình thường, 20% nhận xét chưa hiệu quả, 25% đánh giá hiệu quả và chỉ có 5% cho rằng rất hiệu quả. Nguyên nhân chưa hiệu quả được nêu lên là vì trình độ dân trí thấp nên việc tiếp nhận thông tin còn hạn chế; một số cán bộ thực hiện TGPL chưa am hiểu phong tục tập quán của người DTTS, không biết tiếng dân tộc; hoạt động của Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở mang tính hình thức và không hiệu quả…
Cũng qua khảo sát, có tới 77,5% kiến nghị không quy định thủ tục riêng mà phải vận dụng linh hoạt thủ tục khi TGPL cho người DTTS trong từng trường hợp, tránh máy móc. Về sự hợp lý của thủ tục TGPL cho người DTTS trong từng hình thức TGPL cụ thể thì đa số ý kiến nhận xét là bình thường.
Như vậy, những hạn chế về kỹ năng TGPL, không biết tiếng DTTS và các điều kiện tiếp cận đã khiến công tác TGPL cho người DTTS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhất định, thậm chí một số người đánh giá chưa thật sự hiệu quả. Để nâng cao chất lượng công tác này, giúp người DTTS được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới cần có những nghiên cứu sâu hơn để sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2008/TT-BTP và xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Ủy ban Dân tộc hướng dẫn chính sách TGPL cho người DTTS.
Yến Nhi