Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn hôm qua đến thăm và làm việc với Học viện Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền tham dự.
Đào tạo hơn 7.000 học viên
Theo Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Chí Hiếu, từ 1998 đến 2010, học viện đã đào tạo và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho 7.538 học viên, trong đó, lớn nhất là đào tạo thẩm phán, kế đến là chấp hành viên, kiểm sát viên và thư ký tòa án. Theo đánh giá chung của các cơ quan sử dụng cán bộ thì các học viên tốt nghiệp được bổ nhiệm chức danh tư pháp đã phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, tích lũy từ quá trình đào tạo, tác nghiệp chính quy, bài bản…
Trong số này, nhiều học viên được bổ nhiệm và giữ chức vụ cao trong cơ quan xét xử của Trung ương và địa phương.
Những năm gần đây, học viện đã có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, giáo trình, tài liệu, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị… Bên cạnh đó, Giám đốc Phan Chí Hiếu cũng chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, các giải pháp trong thời gian tới, trong đó đặc biệt là kiến nghị các ngành (VKSNDTC, TANDTC) phối hợp tốt với Học viện Tư pháp trong việc cử cán bộ theo học các khóa đào tạo tại học viện.
Vấn đề “mắc mớ” nói trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, năm 2009 và 2010 Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ xem xét, kiện toàn năng lực đào tạo cho Học viện Tư pháp nhưng chưa nhận được báo cáo của Chính phủ về vấn đề này.
Không nên “xé lẻ”
Để làm rõ hơn các vấn đề trong công tác đào tạo của Học viện, các thành viên đoàn công tác đã đưa ra nhiều câu hỏi trên tinh thần thảo luận và trao đổi thẳng thắn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu và thành viên đoàn công tác Nguyễn Đình Quyền đều quan tâm đến đội ngũ giảng viên (chủ yếu kiêm nhiệm) và đặt câu hỏi, học viện có đủ sức đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên hay không?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: “Đào tạo các chức danh tư pháp phục vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp phải là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã có Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 nhưng vấn đề là nhận thức chưa thống nhất nên ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện” Về cơ chế phối hợp, Thứ trưởng Hiền nhấn mạnh: “không thể một mình Bộ Tư pháp khắc phục vì có nhiều giải pháp phụ thuộc vào các bộ, ngành khác” |
Lấy ví dụ một câu chuyện đơn giản trong đào tạo kiểm sát viên, ông Nguyễn Đức Mai, nguyên thẩm phán Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng “cần tập trung đào tạo các chức danh tư pháp trong một cơ sở đào tạo để họ có một nền kiến thức chung, thống nhất, tránh tình trạng mỗi anh một kiểu”.
Chung ý kiến này, nhiều đại biểu tham gia buổi làm việc cũng đề nghị không nên xé lẻ việc đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng “bế quan tỏa cảng, cạnh tranh không lành mạnh”.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền hoan nghênh đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp đến thăm và làm việc với Hhc viện, đây là cơ hội để cán bộ, công chức học viện bày tỏ khó khăn và kiến nghị của mình.
Thứ trưởng Hiền cũng dẫn ra sự “vênh” nhau trong các văn bản pháp luật hiện hành về đào tạo kiểm sát viên, thẩm phán và cho biết thêm: hiện Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hai đề án có liên quan đến việc đào tạo của học viện.
Đồng tình với Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã ghi nhận những kết quả mà học viện đã đạt được trong thời gian qua, và cho rằng “hạn chế của Học viện cũng là của chung nhiều cơ sở đào tạo”. Chia sẻ khó khăn với học viện, bà Nga đặc biệt lưu ý vấn đề về thể chế pháp lý. “Lẽ ra sau Nghị quyết 49 Chính phủ phải có đề xuất độc lập việc sửa đổi Luật tổ chức VKSND nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Chúng tôi cũng có trách nhiệm vì kiến nghị sửa đổi luật phải từ nhiều kênh”, bà Nga thẳng thắn.
Bà Nga cũng thống nhất quan điểm đào tạo bồi dưỡng là trách nhiệm chung, nhưng phải thống nhất về nhận thức, phân vai cụ thể, không chồng lấn chức năng. Trước hết, theo bà Nga, cần phải có một cơ quan đầu mối Tổng kết Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 … Còn trước mắt, “học viện cần làm tốt nhiệm vụ hiện hành trong bối cảnh hiện hành”. Về kiến nghị của các ngành xung quanh vấn đề giao cho ngành nào đào tạo kiểm sát viên, thẩm phán, Ủy ban Tư pháp cho biết sẽ ghi nhận và có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Được biết, phiên họp điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh Tư pháp sẽ được Ủy ban Tư pháp tổ chức vào đầu tháng 3.
Thu Hằng