Không để xảy ra án oan
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong nhiều năm qua, công tác CCTP luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng tỉnh Quảng Ninh quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên một bước, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ CCTP của tỉnh Quảng Ninh cũng đứng trước nhiều thách thức: tình hình tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, công nghệ cao; các sai phạm liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng hạ tầng, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép… diễn biến phức tạp; khiến kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động có xu hướng tăng về số lượng với tính chất phức tạp hơn.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, tỉnh Quảng Ninh cũng hoàn thiện các chế định luật sư, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Với vị trí tiếp giáp với Trung Quốc, thuận lợi cho giao lưu quốc tế, nhưng Quảng Ninh cũng là địa bàn trọng điểm có tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia. Do đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp được chú trọng.
Đánh giá chung cho thấy Quảng Ninh đã chỉ đạo có hiệu quả các cơ quan tố tụng đổi mới tổ chức bộ máy, tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần CCTP. Hiện nay, tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự (THADS) đã cơ bản hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hàng năm điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án số lượng lớn các vụ án. Theo đó, TAND 2 cấp của tỉnh đã xét xử gần 8.000 vụ án, trong đó hơn 3.100 phiên tòa có sự tham gia của luật sư bào chữa.
Nhưng điều đáng nói, đến nay, các ngành chức năng của Quảng Ninh không để xảy ra án oan, không có khiếu nại phức tạp, tỷ lệ sai sót luôn thấp hơn bình quân các ngành chức năng toàn quốc. Nhiều vụ án, vụ việc nổi bật được giải quyết đúng pháp luật, nghiêm minh, tranh tụng có chất lượng.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, song Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ cho công tác CCTP. Bên cạnh nguồn vốn bố trí trực tiếp cho các dự án phục vụ nâng cao chất lượng công tác tư pháp, giai đoạn 2016-2018, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, bồi dưỡng tập huấn hỗ trợ CCTP tổng cộng 15 tỷ đồng. HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2018. Theo đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ 09 dự án cho khối An ninh - Tư pháp với tổng số kế hoạch là 223 tỷ đồng.
Quyết liệt hơn nữa trong công tác CCTP
Tuy nhiên, dù khá ưu tiên dành kinh phí hỗ trợ hoạt động CCTP nhưng ông Thắng cũng chỉ ra rằng, trại tạm giam và các nhà tạm giữ trên địa bàn quá tải, chưa đảm bảo quy định về chỗ ở cho người bị tạm giam, tạm giữ, không có cơ sở y tế riêng. Trụ sở Tòa án một số địa phương đã xuống cấp, phòng xét xử chưa được bố trí theo mô hình mới do không đủ diện tích, thiếu trang thiết bị như trên địa bàn Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà.
Ngoài ra, việc triển khai công tác CCTP cũng gặp nhiều khó khăn như đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra còn thiếu, nhất là một số địa phương trọng điểm. Đội ngũ giám định viên pháp y thiếu về số lượng, phần lớn là giám định viên hoạt động trong lĩnh vực kiêm nhiệm. Hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp tuy đã được hoàn thiện một bước nhưng vẫn có những vướng mắc, bất cập chưa được hướng dẫn gây khó khăn cho cơ quan tư pháp trong thực hiện áp dụng.
Công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra với cơ quan được giao một số hoạt động điều tra như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm lâm trên địa bàn Quảng Ninh mới dừng lại ở việc bàn giao các vụ án, vụ việc, trao đổi thông tin tội phạm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra… các hoạt động điều tra hình sự trên địa bàn tỉnh.
Trong hợp tác quốc tế, thời gian ủy thác kéo dài không đáp ứng được thời hạn điều tra theo luật, việc ủy thác theo biên bản ghi nhớ giữa VKSNDTC và VKSND khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ xác minh trong tỉnh Quảng Tây nên rất hạn chế.
Việc hợp tác trong thi hành án tử hình đối với người nước ngoài còn vướng mắc về thủ tục nhận xác, rất khó khăn cho địa phương. Không chỉ vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có người phiên dịch tiếng Lào đáp ứng nhu cầu điều tra, xử lý các tội phạm về ma túy liên quan đến đối tượng phạm tội có quốc tịch Lào.
Bày tỏ quan điểm tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc kiến nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định pháp luật còn vướng mắc do các ngành tư pháp địa phương kiến nghị, nhất là một số các quy định trong các đạo luật về tư pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và các vụ án tạm đình chỉ điều tra chưa xác định được các đối tượng phạm tội hiện còn tồn đọng, kéo dài; phối hợp với các bộ, ngành chức năng sớm có văn bản hướng dẫn việc thi hành án tử hình đối với người nước ngoài.
Đánh giá cao kết quả CCTP tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo CCTP Quảng Ninh. Quảng Ninh đã đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng, do đó, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện có án oan sai.
Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý lãnh đạo các cấp huyện trên địa bàn cần quyết liệt hơn nữa trong công tác CCTP. Ngoài ra, tại Quảng Ninh, tỷ lệ án tạm đình chỉ là tương đối lớn nên đây cũng là vấn đề để địa phương cần đưa ra giải pháp xử lý kịp thời trong thời gian tới. Quảng Ninh cũng cần quan tâm nâng cao chất lượng trong công tác THADS, đẩy mạnh công tác bổ trợ tư pháp cho xứng đáng với tiềm năng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Quảng Ninh tập trung kiện toàn bộ máy các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, THADS, tính toán phù hợp để tăng cường đội ngũ cán bộ khối tư pháp.