Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) nhằm tìm các giải pháp, chiến lược để tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 theo hướng chất lượng, bền vững. Diễn đàn có sự tham dự của gần 1.000 doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia trong ngành Du lịch…
“Lắm tài nhiều tật”
Du lịch Việt được ví như viên ngọc thô với vô vàn tiềm năng. Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cùng với đó là tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình đều đạt khoảng 30%/năm.
Với khoảng 15 tỷ USD vốn FDI đầu tư, du lịch Việt Nam trong năm 2017 cũng tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 2,5 triệu người. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp trực tiếp vào GDP của quốc gia.
Nhưng thực tế, khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững. Vẫn còn những bài toán khó vẫn chưa được giải quyết như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phương pháp truyền thông và tiếp thị thiếu định hướng, sản phẩm du lịch còn lặp lại, trải nghiệm du lịch còn nhiều thiếu sót, phát triển du lịch không đi kèm bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, văn hóa bản địa vùng miền…
Đáng nói, dù Việt Nam có tài nguyên, vị trí thiên nhiên tuyệt vời nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng được tốc độ tăng của khách. Ví dụ, đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, có khả năng tiếp nhận vận chuyển 75 triệu khách mỗi năm (công suất bằng một sân bay ở Bangkok). Còn hai sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng… luôn nằm trong tình trạng quá tải, giao thông quanh khu vực bức bí.
Ngoài thách thức cần cải thiện cơ sở hạ tầng, các chuyên gia chỉ rõ, ngành Du lịch Việt Nam phải còn phải tinh gọn những thủ tục phức tạp, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu đặc trưng; cải thiện sự điều phối và kết hợp của các cơ quan chức năng với doanh nghiệp…
Chính phủ ghi nhận tất cả các khuyến nghị
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam cần chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường ; xây dựng cụm, tổ hợp, tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan.
Ông John Lindquist - Chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG chỉ ra truyền thông quảng bá nên là một trong những ưu tiên hàng đầu, giúp nâng cao nhận thức của thế giới về Việt Nam, điều này cần sự định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách.
Ví dụ ở Malaysia là 4 giá trị: đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên; và hướng tới đối tượng khách có mức chi tiêu cao, nhưng số lượng thấp.
Các nhà đầu tư cũng đặt ra yêu cầu chặt chẽ về chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch như về kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp, thái độ làm việc, năng lực quản lý, tổ chức sự kiện, vận hành tour…
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh: mức độ cam kết của Chính phủ và sự phối hợp giữa các bên liên quan là điều quan trọng nhất, bởi du lịch là ngành phức tạp về quản trị liên quan nhiều ngành, nghề khác nhau.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều người, ở mọi cấp độ. Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ghi nhận tất cả các khuyến nghị để làm sao cho du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn. Câu hỏi lớn nhất của du lịch Việt Nam là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, giữ được tốc độ này cũng là khó bởi có những hạn chế mà chỉ riêng ngành Du lịch không thể giải quyết được, và ngay cả có sự phối hợp của các ngành cũng không thể giải quyết được trong 1-2 năm.
Cần bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cho du lịch bằng những giải pháp thiết thực, ứng dụng công nghệ để xử lý những vấn đề trước mắt như kinh phí quảng bá du lịch hạn hẹp, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, kết nối các điểm đến, cơ sở lưu trú, đi lại, mua sắm…
Bên cạnh những hạn chế về xúc tiến, thị thực nhập cảnh (visa), hạ tầng, sản phẩm, môi trường, quảng bá… vốn đã được nhận diện, từng bước khắc phục thì du lịch rất cần một sự phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ. Sự phối hợp đó không chỉ giữa Chính phủ và doanh nghiệp mà ngay giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với nhau, giữa Trung ương với địa phương, với các cấp và mạnh hơn nữa là giữa Nhà nước, doanh nghiệp với từng người dân.
Mục tiêu là đất nước hoà bình, ổn định, an toàn; du lịch Việt Nam không có những “hạt sạn” như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chèn ép du khách… để hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được truyền tải đến bạn bè quốc tế.