Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết nói lên suy nghĩ của người đứng đầu Nhà nước về tình hình đất nước hiện nay với những phân tích vô cùng sâu sắc liên quan đến hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |
Suy giảm kinh tế, suy thoái tư tưởng: Cần chặn đứng
Với những lời bộc bạch không theo khuôn mẫu, Chủ tịch nước chia sẻ: “Có thể thấy được nguyện vọng thiết tha của mọi đảng viên và công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, trong xây dựng Đảng, củng cố Nhà nước, xây dựng đất nước, trong việc không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đó luôn là nguyện vọng, là quyền đòi hỏi chân chính và cấp bách. Đòi hỏi ấy đang đứng trước những thách thức to lớn”.
Những thách thức to lớn ấy được Chủ tịch nước phân tích trên cả hai khía cạnh là kinh tế và tư tưởng. Về kinh tế, Chủ tịch nước khẳng định, kinh tế có mạnh, tư tưởng có vững, cả dân tộc có đoàn kết thống nhất, thì Quân đội mới có khả năng để trở thành một quân đội vô địch.
Không có một quân đội mạnh trên nền tảng một xã hội chia rẽ, mất tinh thần, không sẵn sàng chiến đấu, đất nước thiếu sinh lực. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc phải trên cơ sở sức mạnh của quốc gia. Đó là sức mạnh tổng hợp của cả chính trị, kinh tế, tư tưởng; của quân đội và nhân dân; tiền tuyến và hậu phương; đối nội và đối ngoại...
Chủ tịch nước hoàn toàn tin tưởng rằng dân giàu, nước mạnh và đặc biệt là đoàn kết toàn dân tộc thì kẻ thù nào cũng sẽ không dám xâm lược nước ta, nếu có, chúng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Tuy nhiên, “sau nhiều năm đất nước phát triển đầy hưng phấn, nay do nhiều nguyên nhân, cả bên trong và bên ngoài, đang lâm vào tình trạng suy giảm. Nguyên nhân bên trong có nhiều nhưng trong đó phải kể đến khuyết điểm của lãnh đạo và quản lý...”.
Chủ tịch nước cũng thẳng thắn phân tích: “Gần đây, báo chí và dư luận hằng ngày đề cập đến những “nhóm lợi ích”, đâu đó có hành vi thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên, các định chế tài chính hoạt động bộc lộ yếu kém, nợ công cao, đầu tư dàn trải và tệ tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng các nguồn lực quốc gia; lạm phát ở mức cao; thu nhập thực tế và đời sống của người dân khó khăn hơn; cùng với các tai, tệ nạn xã hội có dịp bùng phát; lối sống ích kỷ, suy đồi, vô cảm, vô trách nhiệm hiện diện ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống... Tất cả những thực tế đó làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Về tư tưởng, theo Chủ tịch nước, chưa bao giờ như trong vòng một năm qua, xuất hiện rất nhiều dư luận, trong đó có những tư tưởng và dư luận nguy hiểm, gây chia rẽ trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân; cá biệt có người đòi “phi chính trị hóa quân đội”.
Chủ tịch nước đặt câu hỏi và khẳng định: “Thử hỏi trên thế giới này có ở đâu và bất cứ việc gì lại ít nhiều không mang tính chính trị?. Họ khoét sâu những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý đất nước hoặc những khuyết điểm, sai phạm của một số cán bộ để gây phân tâm trong dư luận xã hội và ở chừng mực nào đó, họ đã đạt được những “kết quả” nhất định, làm cho xã hội trở nên bất ổn hơn”.
“Sự hình thành và phát triển của Đảng đã chứng minh, Đảng ta không ngại phê bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có loại phê bình xây dựng và có loại phê bình không phải là xây dựng, thậm chí là phá hoại. Không phải ai và lúc nào cũng phân biệt được sự phê bình xây dựng với sự phê bình phá hoại, và trong những lúc trắng đen chưa rõ ràng, thì dư luận dễ bị lạc hướng; những thiện chí bị lợi dụng bởi những tư tưởng có hại, đầu độc bầu không khí chính trị của đất nước.
Nếu chúng ta không ý thức đúng mức những lo lắng của cộng đồng và bị những tư tưởng độc hại chi phối, sẽ bị dao động về ý chí, thậm chí bất mãn, ngả theo kẻ xấu, trở thành công cụ cho bất kỳ kẻ nào thừa cơ hội đứng lên khoác áo “nghĩa hiệp” và đưa đất nước đi đến chỗ hỗn loạn”.
“Tình trạng suy giảm kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị nếu không được sớm chặn đứng, sẽ đặt tương lai của đất nước ta trước thử thách khốc liệt. Đúng như nhận định của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là những nguy cơ đó liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ, đồng thời nó cũng đe dọa trực tiếp đến sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán Nước
“Chúng ta phải làm gì?” là câu hỏi mà Chủ tịch nước đặt ra trong bài viết. Với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. “Hành động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã từng phê phán nghiêm khắc những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử”.
“Ngày 22/12 sẽ mãi mãi là một Ngày Anh Hùng!” Trong bài viết của mình, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, bên cạnh niềm tự hào về một quân đội bách chiến bách thắng, còn là dịp để chúng ta nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn tất cả những gì mà quân đội của chúng ta đã từng và đã trải, đã chiến đấu, hy sinh, để trưởng thành lớn mạnh, để thắng lợi vẻ vang; là dịp để chúng ta tôn vinh tất cả những thế hệ đã hiến dâng cuộc đời mình cho vinh quang của dân tộc, cho độc lập, tự do của đất nước; là dịp chúng ta tưởng nhớ những người đã mất và cố gắng làm tròn trách nhiệm của những người còn sống, đang sống...”. Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Ngày 22/12 sẽ mãi mãi là một Ngày Anh Hùng!” và “ý nghĩa của ngày này chỉ trở nên thật đầy đủ khi chúng ta phát huy thật tốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay”. |
Từ phân tích đó, Chủ tịch nước cho rằng: “Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn, phải bị loại trừ và lên án”.
“Thái độ tích cực đó cần được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có việc cấp bách hiện nay là tiếp tục kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống phải bị chặn lại. Tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết loại trừ để cho bộ máy thực sự trong sạch vững mạnh, nhưng đồng thời phải làm sao giữ được sự ổn định, tránh sa vào những sai lầm ấu trĩ có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ về chính trị - xã hội.
Mặt khác, cũng không thể nhân danh sự ổn định chính trị - xã hội để dĩ hòa vi quý và thỏa hiệp với cái xấu, cái sai. Đây thực sự là một yêu cầu khó khăn, đòi hỏi sự tỉnh táo, sự quyết tâm, sự đoàn kết nhất trí và bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Tôi nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân ta, các lực lượng vũ trang ta trông đợi vào kết quả thực chất của công cuộc này để củng cố lòng tin của mình vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Đây là thời cơ chính trị chúng ta phải nắm lấy, tạo ra sự chuyển biến mới như một cột mốc trong quá trình phát triển. Được như vậy, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội, trong đó có sức mạnh quốc phòng - an ninh”.
Cần những “cú huých” đủ mạnh từ luật pháp
Người đứng đầu Nhà nước cũng thừa nhận, một trong những bất cập chính trong công tác quản lý nhà nước hiện nay là có việc thì tập trung quá mức, có việc thì lại phân cấp quá mức nhưng lại thiếu kiểm tra, đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính quá chậm chạp và có nguyên nhân từ sự suy thoái của một số cán bộ, công chức các cấp, các ngành, đang cản trở sự phát triển đất nước. Do đó, “ cần phải có những “cú huých” đủ mạnh từ phía luật pháp, chính sách và dư luận để làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch nước nhận định: “Thực tế đang đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước, chống lại tệ quan liêu, trì trệ, tham nhũng, “lợi ích nhóm” hay lợi ích cục bộ của ngành này, ngành khác; phải có những tiêu chí mới để đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả thực chất, vì lợi ích chung, chứ không phải những quy định mà người ta có thể lợi dụng theo ý muốn của mình”.
Tuy nhiên, “Tất cả mọi việc đều có nguyên nhân từ con người. Để có cán bộ tốt, không thể chỉ kêu gọi chung chung, mà trước hết phải bằng chính sách, luật pháp, kỷ luật, kỷ cương và tất nhiên cao hơn thế nữa là phải xây dựng đạo đức con người ngay từ khi còn nhỏ, khi cắp sách đến trường.
Chúng ta có thành công hay không trong việc thực hiện những mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, khâu cốt yếu tùy thuộc ở yếu tố cán bộ và dựa trên tinh thần kỷ luật, kỷ cương. Có kỷ luật, kỷ cương thì bộ máy mới tốt và vận hành thông suốt. Bộ máy càng lớn, kỷ luật càng trở nên cấp thiết, nếu không sẽ xuất hiện tình trạng vô tổ chức. Vì thế, hơn lúc nào hết, luật pháp và kỷ luật cần phải được tôn trọng triệt để”.
P.V. (lược ghi)