Có muôn ngàn cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án (THA) nhưng có một "chiêu" xem ra vừa giản đơn, nhưng “hiệu quả” đó là “khóa cửa, bỏ đi” mỗi khi thấp thoáng bóng dáng cán bộ THA.
Một vụ cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa |
Đối phó bằng… tránh mặt
Gia đình bà Nguyễn Thị T. ở Ba Đình, Hà Nội là người phải THA trong một vụ kiện đòi nhà đất. Trước đây vì tin vào người chủ cũ, bà T. đồng ý mua ngôi nhà đang ở với giá 30 cây vàng. Tuy nhiên, sau đó do anh em nhà nọ tranh chấp về quyền thừa kế, phải đưa ra tòa phân giải nên việc mua bán giữa bà và gia đình trên bị hủy bỏ. Bà phải trả lại ngôi nhà và mảnh đất, nhận lại vàng. Cho rằng, án tuyên không đảm bảo quyền lợi cho bà nên bà T. nhất mực không THA.
Lần đầu tiên đến tống đạt quyết định THA, bà T. kiên quyết không nhận, phải nhờ chính quyền phường nói mãi bà mới miễn cưỡng cầm. Tuy nhiên, lần thứ hai sau đó hơn 1 tháng, chấp hành viên quay lại thì bà T. đã đóng cửa đi đâu không rõ. Lần thứ ba, thứ tư…kể cả sau thời gian vận động bà T. nhưng bà không tự nguyện thi hành, THA lên kế hoạch kê biên ngôi nhà bà đang ở thì chẳng thấy bà đâu, trong khi hàng xóm và chính quyền địa phương đều xác nhận bà vẫn đang cư trú tại đây…
Những trường hợp “trốn T.H.A” như bà T. không phải là hiếm gặp; thậm chí đã trở nên là “chuyện thường ngày” khi người phải THA cố tình “tạm lánh” để không nhận các giấy tờ, thông báo về việc THA. Các cơ quan THA phải rất vất vả nhờ chính quyền địa phương, tổ dân phố…mới tống đạt được giấy tờ đến đương sự.
Chỉ là chuyện tống đạt giấy tờ thôi đã khó, có rất nhiều trường hợp đến thời điểm chuẩn bị kê biên, cưỡng chế… đương sự cũng dùng chiêu bài bỏ đi đâu không rõ khiến nhiều vụ THA trở nên bế tắc, kéo dài.
Chính quyền địa phương phải là “chân rết”
Cái khó trong giải quyết những vụ việc nêu trên cũng như những vụ kê biên đồ vật không hẳn vì thiếu những quy định của luật pháp. Bởi lẽ, điều 93 Luật THADS quy định: Khi kê biên đồ vật đang bị khoá hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải THA, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khoá, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khoá hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải THA phải chịu thiệt hại do việc mở khoá, phá khóa, mở gói.
Tuy nhiên, theo ông Dương Minh Công - Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội - thì quy định là vậy nhưng trên thực tế, trường hợp đương sự khóa cửa bỏ đi, nếu tiến hành mở, phá khóa thì Chấp hành viên phải tổ chức như một cuộc cưỡng chế, phải huy động đầy đủ lực lượng. Chấp hành viên phải có trách nhiệm liệt kê tất cả tài sản có ở trong nhà, nếu có két sắt thì không được phép mở vì đây không phải là đối tượng bị kê biên.
Vì vậy chấp hành viên không thể biết được trong két gồm những gì để thống kê. Sau khi thống kê tài sản xong, giao cho ai giữ, quản lý số tài sản trong nhà đương sự như thế nào cũng là nguyên nhân dẫn đến đương sự khiếu nại, tố cáo, gây áp lực không nhỏ cho chấp hành viên.
Bế tắc như vậy nên hiện nay, khi gặp trường hợp đương sự khóa cửa bỏ đi để trốn tránh THA, các cơ quan THA đều lúng túng trong cách xử lý, phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên việc hướng dẫn cũng rất khó khăn vì luật chưa có quy định cụ thể. Bởi vậy, rất nhiều vụ việc tương tự đã phải “tạm dừng” …vô thời hạn.
Để chấp hành viên có thể yên tâm thi hành án trong trường hợp đương sự khóa cửa bỏ đi, theo ông Lê Hữu Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10, TP.Hồ Chí Minh - thì cần phải có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn có được mở tủ để thống kê tài sản hay không, giao cho ai quản lý, khi mất tài sản ai chịu trách nhiệm và giải quyết ra sao… Rất nhiều vấn đề nảy sinh sau khi làm thủ tục mở khóa, phá khóa nhưng chưa được hướng dẫn nên chấp hành viên không dám mạnh tay.
Giải pháp trước mắt, theo một chấp hành viên thì cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan THA với các cơ quan liên quan, đặc biệt chính quyền địa phương, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để kịp thời có thông tin về đương sự trước khi thực hiện các công việc liên quan đến THA.
Hà Anh