Dân quyền được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ chính là “các quyền tạo hóa ban cho họ, những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” mà mỗi người dân đều được hưởng một cách bình đẳng như đã được nhắc đến trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó cũng chính là các quyền đã được nêu trong Yêu sách của Nhân dân An Nam: “Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều thứ 10 Hiến pháp năm 1946).
Về phương diện chính trị, quyền cao nhất là quyền làm chủ đất nước theo nguyên tắc được hiến định trịnh trọng ngay tại Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Mỗi người dân đều bình đẳng về quyền và thực hành chủ quyền nhân dân thông qua những quyền hiến định cụ thể, như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều thứ 7); quyền bầu cử và quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra (Điều thứ 18 và 20), đặc biệt là “quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều thứ 21). Nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước cũng chính là chủ thể làm ra và có quyền quyết định cao nhất, quyết định cuối cùng (phúc quyết) về Hiến pháp. Đồng thời, Nhân dân cũng là chủ thể giám sát, kiểm soát việc thi hành đúng đắn trách nhiệm hiến định của các đại biểu, các cơ quan công quyền do mình lập nên và ủy thác thực thi quyền lực.
Dù không có điều khoản nào nhắc đến hai chữ “pháp quyền” hay “bảo hiến” nhưng toàn bộ bản thiết kế tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước trong Hiến pháp năm 1946 là sự hiện thực hoá tinh thần Pháp quyền dân chủ mà Hồ Chí Minh đã khởi xướng và theo đuổi kiên định trong suốt một phần tư thế kỷ trước đó. Bộ máy nhà nước được Nhân dân, bằng Hiến pháp và thông qua Hiến pháp, lập nên theo cách thức dân chủ và giao phó, ủy quyền một cách rành mạch cho từng cơ quan thực hiện quyền lực nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cụ thể là lập pháp (Nghị viện), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Toà án). Trong khi thực hiện các quyền được Nhân dân ủy thác ấy, tất cả các cơ quan nhà nước, dù là Nghị viện nhân dân với tư cách “là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” hay Chính phủ - “cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc”, bao gồm cả Chủ tịch nước, đều phải tôn trọng tính tối thượng của Hiến pháp, đều phải chịu sự kiểm soát và gánh chịu các chế tài chính trị - pháp lý được hiến định. Chẳng hạn như:
- Luật do Nghị viện thông qua có thể bị Chủ tịch nước yêu cầu thảo luận lại trong thời hạn hiến định (Điều thứ 31); trong thời gian Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ nhưng những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ (Điều thứ 36);
- Nghị viên bị xem xét bãi miễn nếu một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó đề nghị và nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn (Điều thứ 41); Ban thường vụ của Nghị viện bị xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm tại đầu mỗi khoá họp của Nghị viện nếu có một phần tư tổng số nghị viên yêu cầu; toàn Ban thường vụ phải từ chức nếu không được tín nhiệm (Điều thứ 39); Nghị viện có thể tự giải tán nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý (Điều thứ 33);
- Chính phủ chịu sự kiểm soát và phê bình của Ban thường vụ trong thời gian Nghị viện không họp (Điều thứ 36); Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức; Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các và Nội các có thể bị Nghị viện xem xét vấn đề tín nhiệm khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tư tổng số Nghị viện nêu vấn đề ấy ra; Nội các mất tín nhiệm phải từ chức sau các cuộc biểu quyết của Nghị viện theo trình tự hiến định (Điều thứ 54); nếu Chủ tịch, Phó chủ tịch nước hay một nhân viên Nội các (Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các Thứ trưởng) bị truy tố về tội phản quốc, Nghị viện sẽ lập một Toà án đặc biệt để xét xử (Điều thứ 51).
Đó chính là mô hình một Nhà nước dân chủ của Nhân dân, do Nhân dân lập ra bằng chủ quyền nhân dân, mọi tổ chức và hoạt động của các thiết chế quyền lực đều đặt dưới Hiến pháp, phải tuân thủ Hiến pháp do Nhân dân phúc quyết; các vi phạm trách nhiệm hiến định của cơ quan công quyền phải có cơ chế kiểm soát (giám sát của Nhân dân, giám sát giữa các cơ quan nhà nước…) với các chế tài chính trị - pháp lý tương ứng được quy định ngay tại Hiến pháp - nền móng đầu tiên tuy chưa đầy đủ và chưa triệt để của cơ chế bảo hiến theo tinh thần pháp quyền dân chủ.
Vì vậy, có thể nói Hiến pháp năm 1946 là một hiện thực pháp lý của tư tưởng Hồ Chí Minh về “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” mang đậm tính nhân quyền, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Chính điều đó làm nên các giá trị lịch sử và đương đại của bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.
Trải qua hơn nửa thế kỷ nhận thức lại về tính tất yếu khách quan của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội mới của đất nước đang hội nhập quốc tế, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 có thể coi là những bước tiếp nối hành trình hiện thực hoá tinh thần pháp quyền dân chủ của Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị của Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, hành trình đó còn nhiều cam go thách thức.
Với Hiến pháp năm 2013, Nhân dân là chủ thể của nhân quyền, dân quyền mà Nhà nước có trách nhiệm hiến định là phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (Điều 14). Quyền dân chủ trực tiếp của công dân được tôn trọng, lần đầu tiên kể từ sau Hiến pháp 1946, quyền lập hiến không còn là duy nhất của Quốc hội, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được tái quy định mặc dù việc trưng cầu đó còn phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội (Điều 120, khoản 4). Điều đó có nghĩa là trưng cầu ý dân về Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp chưa phải là một điều kiện bắt buộc, đương nhiên để Hiến pháp có hiệu lực, quyền phúc quyết của Nhân dân về Hiến pháp với tư cách là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước chưa được khẳng định như tại Hiến pháp năm 1946.
Nguyên tắc phân công và kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các thiết chế thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn chưa đủ và chưa cụ thể các cơ chế kiểm soát quyền lực cùng những chế tài chính trị - pháp lý minh bạch đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm hiến định của những chức danh, thiết chế được Nhân dân giao phó thực hiện quyền lực nhà nước như đã từng được quy định tại Hiến pháp năm 1946.
Hơn nữa, mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý” (khoản 1 Điều 119) nhưng cho đến nay, các hành vi vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của các cơ quan công quyền vẫn chưa được nhận diện công khai và đầy đủ. “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định” theo khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 mới chỉ dừng ở các cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm mang tính phòng ngừa, cảnh báo vi phạm Hiến pháp đối với hoạt động lập pháp, lập quy theo cách thức phân tán, kém hiệu quả, đặc biệt là khoảng trống về giám sát, kiểm soát tính hợp hiến trong hoạt động của Quốc hội. Trong khi vi phạm Hiến pháp phổ biến nhất ở mọi quốc gia chính là vi phạm của các cơ quan công quyền (cả bằng hành động và không hành động theo trách nhiệm hiến định) đối với các quyền hiến định của người dân thì hiển nhiên, cơ chế bảo vệ hiến pháp không thể thiếu phải là cơ chế bảo đảm để người dân thực hiện quyền trực tiếp yêu cầu/khởi kiện trước một thiết chế độc lập, có đủ thẩm quyền, năng lực xem xét và ra phán quyết/tài phán có hiệu lực bắt buộc thi hành về tính hợp hiến của hành vi, quyết định công quyền xâm phạm quyền hiến định của người dân.
Về nhận thức, nhiều công trình nghiên cứu về bảo hiến ở nước ta trong gần hai thập kỷ qua đã đưa ra các luận giải thấu đáo về cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thiết lập cơ chế tài phán hiến pháp phù hợp trong bối cảnh chính trị, văn hoá pháp luật Việt Nam.
Về hành động, cơ chế phán quyết/tài phán đối với các hành vi vi phạm hiến pháp trong hoạt động hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của các thiết chế hiến định đã được tổ chức nghiên cứu và xây dựng thành đề án nhưng vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để triển khai theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá X.
Về thực tiễn, một số quyền cơ bản của công dân tuy đã được công nhận từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 (như quyền lập hội, quyền biểu tình…) nhưng do chưa có luật cụ thể hoá làm cho việc thực hiện quyền hiến định của công dân kém an toàn và việc can thiệp từ phía các cơ quan công quyền cũng trở nên nhiều rủi ro hơn về mặt pháp lý do vi phạm nguyên tắc hiến định về hạn chế quyền con người, quyền công dân (Điều 14, khoản 2 Hiến pháp năm 2013). Trong bối cảnh pháp lý chưa đủ minh bạch đó, việc thiết lập và vận hành cơ chế tài phán về vi phạm hiến pháp càng trở nên cấp bách.
Với phương châm hành động: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh” trên cơ sở những tiền đề nhận thức lý luận và thực tiễn đã có, người dân mong đợi ở quyết tâm chính trị trong hành động của các cơ quan công quyền để đưa một trong những tâm niệm suốt đời của Hồ Chí Minh về “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” ngày một thấm sâu trong đời sống chính trị, pháp lý, dân sinh của đất nước, để tuyên ngôn trong Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trở thành hành động mang tính cộng đồng trách nhiệm của cả Nhà nước, xã hội và mỗi người dân./.