PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM , hôm 1.5 cho biết những nhà thuốc đăng ký bán hàng bình ổn giá với 45 loại thuốc phải cam kết giá bán sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% trong vòng ít nhất một năm.
ảnh MH |
Đây là năm đầu tiên TP.HCM bình ổn cho mặt hàng thuốc Tây sản xuất trong nước. Các mặt hàng thuốc được đưa vào chương trình là những loại thuốc mà đại đa số người dân sử dụng và bán ở những nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc đạt chuẩn GPP (Thực hành tốt bán thuốc) và có gần 700 nhà thuốc tham gia từ ngày 27/4/2011.
Theo bà Lan, tùy loại thuốc mà thặng số lợi nhuận nhiều hay ít nhưng cao nhất cũng không được vượt 20%. Chẳng hạn, loại thuốc dưới 1.000 đồng/viên thì cho phép thặng số lợi nhuận cao nhất 20%, còn loại thuốc đặc trị trên 1 triệu đồng/liều thì lợi nhuận không quá 5%. Nhưng đây chỉ là quy định được áp dụng cho các nhà thuốc bệnh viện. “Chúng ta cần phải áp dụng luôn cho cả nhà thuốc bên ngoài”, bà Lan đề xuất.
Đồng tình với thặng số lợi nhuận không vượt 20% là một trong những giải pháp, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế còn cho rằng, các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu thuốc trước ít nhất sáu tháng và khi đã trúng thầu phải giữ giá trong vòng một năm. Nếu nhà thầu nào trúng thầu mà bỏ cuộc sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong hai năm.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm: “Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành một nghị định riêng về đấu thầu thuốc Tây, vì từ trước đến nay, chúng ta đang áp dụng quy định về đấu thầu trong xây dựng cho lĩnh vực y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích “người Việt dùng thuốc Việt” để khắc phục hiện tượng coi thường thuốc nội, giảm nhập khẩu thuốc ngoại và tăng thuốc sản xuất trong nước”.
Thực tế từng có bệnh nhân đi khám bệnh, được bác sĩ chẩn đoán bị viêm họng và kê toa với giá thuốc ngoại lên đến khoảng 1,5 triệu đồng, trong khi cũng bệnh ấy nếu kê thuốc nội thì chỉ mất 170 ngàn đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Ban VHXH - HĐND TP.HCM còn có tình trạng cùng 1 chủng loại thuốc, có nhà thuốc bán giá chỉ 600 đồng, còn nơi khác bán đến hơn 900 đồng.
Lý giải cho những vấn đề trên, BS Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng, người bệnh không thể so sánh về mức giá, mà cần xem kỹ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… của sản phẩm thuốc ấy, bởi một loại thuốc sản xuất ở Ấn Độ không thể nào so sánh giá với một sản phẩm cùng loại được sản xuất ở Ý.
Vấn đề là “làm sao đập tan tâm lý xem thường thuốc nội là việc cần làm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và cả bác sĩ”.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, để giảm thuốc nhập khẩu và tăng thuốc sản xuất trong nước thì chính sách thuế cần phải thay đổi. Một doanh nghiệp sản xuất thuốc thì chia sẻ, hơn 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, cộng thêm việc tăng giá vật tư, bao bì… tăng mạnh nên việc tăng giá thuốc là bất khả kháng. Tuy nhiên, việc tăng giá này cũng không hề dễ dàng, vì phải “dè chừng” mức tăng của các doanh nghiệp sản xuất thuốc khác.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định : “Với 10 nhóm và 45 loại thuốc bình ổn, giá thấp hơn thị trường 10% và có bốn đơn vị tham gia tự ứng vốn trước để làm bình ổn là một tín hiệu mừng, nhất là trong giai đoạn vật giá tăng chóng mặt như hiện nay. Bên cạnh đó, cần khắc phục tâm lý xem thường thuốc nội vì có những loại thuốc trong nước sản xuất đã xuất sang châu Phi và cả châu Âu”...
Chương trình bình ổn thuộc 10 nhóm dược lý chính với 45 loại thuốc, bao gồm: nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; thuốc trị ho; thuốc chống dị ứng; thuốc nhỏ mắt; thuốc trị đau dạ dày; trị tiêu chảy; tim mạch; tiểu đường; kháng sinh; kháng viêm Corticoid. “Giá bán tại các nhà thuốc cam kết bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% ít nhất một năm. |
Phương Nam