Gần đây, tình trạng xin thay đổi, cải chính hộ tịch tăng vọt ở nhiều địa phương. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên vấn đề là đã đến lúc mỗi công dân cần phải nhìn nhận vai trò quan trọng của những dữ liệu về hộ tịch để có ý thức ngay từ khi thiết lập các giấy tờ liên quan đến bản thân.
Muôn ngàn lý do xin cải chính
Mới đây, UBND quận Cầu Giấy tiếp nhận một trường hợp xin cải chính hộ tịch khá “hy hữu”. Số là một công dân đến xin cải chính họ của mẹ đẻ trong giấy khai sinh để phục vụ cho việc tặng cho nhà đất. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra số đăng ký khai sinh năm 1964 do UBND xã Trung Hòa cấp khai sinh cho các con người mẹ mang họ Nguyễn.
Trong khi họ của người mẹ trong sổ đăng ký khai sinh của các con không trùng khớp với sổ hộ khẩu, chứng minh thư (mang họ Lê). Khi thụ lý hồ sơ cán bộ Tư pháp yêu cầu công dân cung cấp thêm các giấy tờ khác để chứng minh (như giấy chứng nhận kết hôn, lý lịch cán bộ, và các giấy tờ tùy thân khác) thì công dân không đáp ứng được.
Ảnh minh họa |
Một trường hợp khác, chuẩn bị đến thời điểm làm hồ sơ thi Đại học, em Nguyễn Thị A, học sinh lớp 12 trường M mới “té ngửa” khi tên trong học bạ, bằng tốt nghiệp cấp II lại khác với tên trong bản chính giấy khai sinh (Nguyễn Thị Hồng A và Nguyễn Thị A). Hóa ra, khi đi học, thấy cái tên đệm “thị” của mình có vẻ “quê” nên em đã tự ý thêm “Hồng” vào, và cái tên Hồng A theo em từ đó. Do thời điểm nộp hồ sơ đã sát gần nên năm đó A đành dừng việc thi ĐH vì không kịp cải chính (do phải cải chính văn bằng chứng chỉ và học bạ chứ không phải cải chính giấy khai sinh)
Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy thì những năm gần đây, các yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch trên địa bàn quận này tăng cao. Việc thay đổi, cải chính chủ yếu là do tên họ, chữ đệm, năm sinh, dân tộc… không trùng khớp giữa giấy khai sinh với các giấy tờ tùy thân khác. “Nhiều người tự động cắt cúp hoặc thêm vào các dữ liệu hộ tịch. Nhiều người khác do nhầm lẫn giữa “quê quán” và chỗ ở hiện tại nên xảy ra tình trạng thiếu nhất quán trong các giấy tờ”. Ngoài ra, bà Hạnh cũng cho biết, thậm chí còn có tình trạng sổ khai sinh gốc là một đằng, nhưng giấy khai sinh (bản chính) lại là một nẻo.
Bên cạnh đó, rất nhiều yêu cầu xin cải chính không thuộc quy định của Nghị định 158 (ví dụ trường hợp chồng muốn nhận con riêng của vợ làm con nuôi khi bố đẻ của trẻ đã mất; trường hợp cải chính họ của cha đẻ thành họ của cha dượng khi cha đẻ đã mất tích, có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án…) mà cơ quan tư pháp lúng túng chưa biết giải quyết ra sao
Cần tuân thủ một cách tuyệt đối
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2007 - 2010 khối lượng các công việc về hành chính tư pháp được tăng lên khá lớn so với giai đoạn 2001-2006, trong đó đặc biệt là các yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch (tăng hơn 100 ngàn trường hợp); trong đó, một số địa phương có số liệu về thay đổi, cải chính trong giai đoạn 2007 - 2010 tăng hơn nhiều so với các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang.
Có thể lý giải, một trong những nguyên nhân các yêu cầu thay đổi, cải chính, thay đổi hộ tịch tăng vọt là do đòi hỏi ngày càng cao, chính xác tuyệt đối của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Thực tế cho thấy, rất nhiều người, chỉ vì sai một nét chữ, một con số đã mất đi những cơ hội trong học tập, công tác. Đó là chưa kể có những trường hợp không thể thay đổi, cải chính do không còn những chứng cứ, giấy tờ để chứng minh cho yêu cầu xin cải chính là hợp pháp. Do đó, việc xin thay đổi là hoàn toàn bế tắc.
Nhận thức của người dân đối với pháp luật về hộ tịch là một chuyện (nhiều người xem nhẹ nên tự ý thêm bớt, nhầm lẫn...như trường hợp em A. kể trên) nhưng nhiều trường hợp là do tình trạng tuỳ tiện trong việc cấp bản chính, bản sao giấy tờ hộ tịch không căn cứ vào sổ hộ tịch vẫn còn ở một số địa phương.
Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng, người đã từng gắn bó lâu năm với công tác cải chính hộ tịch đã từng chứng kiến những “cám cảnh” xin cải chính khuyến cáo: giấy khai sinh bản chính của mỗi cá nhân là căn cứ gốc buộc các giấy tờ khác (chứng minh thư, hộ khẩu, học bạ...) phải tuân theo. Do đó, cần phải tuân thủ một cách tuyệt đối các dữ liệu trong giấy khai sinh (họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, quê quán, dân tộc...), nếu không hậu quả sẽ là “sểnh một ly, đi một dặm”.
Ngoài ra, cán bộ tư pháp, hộ tịch khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cũng như cấp bản chính, bản sao phải trung thành với sổ đăng ký gốc để tránh tình trạng sổ một đằng, giấy cấp một nẻo.
Huy Hoàng