Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế số...) đã và đang làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống. Các công ty đa quốc gia, thông qua các công cụ như các tài sản vô hình hay các hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia, đã tận dụng cơ hội để tránh nghĩa vụ thuế; gây ra xói mòn nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các quốc gia.
Để giải quyết các thách thức này, ngày 08/10/2021, OCED đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia; từ đó ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp. Việt Nam là một trong các nước đồng thuận đối với nội dung về Khung giải pháp Hai trụ cột này.
Bên cạnh đó, trước bối cảnh các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế và các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như: Giảm thiểu tác động xấu của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam; tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận; tạo động lực để Việt Nam tiếp tục phát triển môi trường đầu tư theo hướng bền vững, minh bạch, cạnh tranh hơn thông qua cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, nguồn lao động chất lượng cao...
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội như: sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; sự cần thiết phải ban hành; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị quyết; hiệu lực thi hành…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời làm rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị quyết. Về quy định giải thích từ ngữ, Thứ trưởng đề nghị chỉ lựa chọn giải thích những thuật ngữ mới, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần rà soát, củng cố các nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT); quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); quy trình, thủ tục kê khai và nộp thuế;… để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Nghị quyết được xây dựng nhằm đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam; định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà đầu tư mới (trong nước và nước ngoài);…