Năm 2015 là năm chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng thể chế của Cục với việc Thủ tướng phê duyệt Đề án Đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025; Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TGPL. Nghị định số 80 đã có chính sách khuyến khích người thực hiện TGPL bằng việc nâng mức bồi dưỡng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng.
Đặc biệt, với sự ra đời của Hiến pháp 2013 và các đạo luật quan trọng khác, Luật TGPL đã thể hiện nhiều điểm bất cập cần phải sửa đổi. Cục TGPL đã tham mưu Bộ đề nghị Chính phủ đưa Luật TGPL (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016, phương hướng nhiệm kỳ 2016 – 2020 của Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (THPL), Cục trưởng Đặng Thanh Sơn trình bày báo cáo công tác cho biết, về cơ bản Cục đã hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ giao như xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện 6 văn bản, đề án, thẩm định và góp ý 137 văn bản; tổ chức 24 đoàn kiểm tra và kiểm tra liên ngành tại 4 bộ, 8 địa phương để nắm rõ thực trạng triển khai công tác THPL về XLVPHC và theo dõi THPL…
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong giai đoạn 2016 – 2020, Cục xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát huy thật tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ, ngành trong quản lý công tác THPL về XLVPHC và công tác theo dõi THPL. Riêng năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai hiệu quả Luật XLVPHC, nâng cao chất lượng công tác theo dõi tình hình THPL.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Thành Long điểm lại những kết quả đạt được nhiệm kỳ qua của toàn ngành tư pháp và trong thành tựu chung ấy có sự đóng góp của Cục. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện, THPL có liên quan trực tiếp đến Cục, đòi hỏi thời gian tới phải nỗ lực nhiều hơn nữa đối với công tác này.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai Luật XLVPHC phải song song với áp dụng tốt văn bản pháp luật; đồng thời cần cố gắng dùng công cụ kiểm tra theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP xác đáng hơn để thúc đẩy công tác theo dõi THPL và đẩy mạnh xây dựng Bộ chỉ số đánh giá tình hình THPL.
Báo cáo về công tác năm 2015, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết Vụ đã chủ trì, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng; tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết; chủ trì thẩm định 102 nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; góp ý 420 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Vụ đã tham mưu, cung cấp ý kiến pháp lý, xây dựng các báo cáo chuyên đề, trả lời các vướng mắc pháp lý và thực hiện các đề án; đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và quản lý nhà nước Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác của Vụ còn tồn tại một số hạn chế, tồn tại.
Trong Báo cáo tổng kết công tác của Vụ Pháp luật Quốc tế (PLQT) năm 2015, Vụ trưởng Vụ PLQT Bạch Quốc An nêu rõ trong năm qua, Vụ đã chủ động thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện công tác PLQT.
Vụ đã chủ trì thẩm định 132 Điều ước quốc tế, góp ý 417 Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, xây dựng 7 văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 12 đề án, văn bản trình Bộ trưởng; công tác cấp ý kiến pháp lý, giải quyết tranh chấp quốc tế, công pháp quốc tế và nhân quyền, tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.