Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. |
Tham dự Hội nghị có ông Dương Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội; Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước; ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau; ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau,…
Xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, tỉnh luôn xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cơ sở pháp lý vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển từng ngành, lĩnh vực, cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tỉnh Cà Mau xác định đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước. Phát triển, ngư, nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 3 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. Đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.
Xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau "Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối", trong đó Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước |
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có Quyết định về việc ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2023 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, có 06 dự án mời gọi đầu tư, trong đó TP.Cà Mau có 03 dự án gồm: Đầu tư xây dựng khu nhà ở thu nhập thấp và viện dưỡng lão tại khóm 1, phường Tân Xuyên, quy mô 13,7ha; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở mở rộng khu dân cư - tái định cư Sông Cũ - khu A tại phường 4 và phường Tân Xuyên, quy mô 26,34ha; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư dịch vụ thương mại Phường 1, thành phố Cà Mau, quy mô 29,22ha.
Huyện Đầm Dơi có 01 dự án là Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Thuận với quy mô dự kiến 50ha và huyện Năm Căn có 02 dự án gồm: Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải tập trung tại xã Lâm Hải với quy mô 20ha; đầu tư khu dịch vụ dân cư Năm Căn với quy mô 57,59ha.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 445 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 144.398 tỉ đồng, trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 153,4 triệu USD.
So cùng kỳ năm trước thì số lượng dự án đầu tư mới ở Cà Mau gia tăng. Cùng với đó công tác giải ngân vốn đầu tư công cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước.