Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về những lúng túng sớm nảy sinh sau khi triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định: “mấu chốt là do yếu tố con người chưa được bố trí đảm bảo để thực hiện”.
Chắc chắn sức ép sẽ lớn hơn
PV: Sau hơn 6 tháng triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số vụ yêu cầu bồi thường chưa nhiều, số tiền yêu cầu bồi thường cũng chưa lớn, điều đó có phản ánh đúng tình hình, thưa ông?
*. Những số liệu mà Bộ Tư pháp tổng hợp được sau hơn 6 tháng triển khai Luật thực chất mới là những thông tin ban đầu. Trên thực tế, người bị thiệt hại vẫn đang phải chờ văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, cần có thời gian để thu thập chứng cứ cũng như hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp |
Bên cạnh đó, theo như số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong mấy chục nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài thì có tới 80% là khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Vấn đề đáng lưu ý là phần lớn những khiếu nại, tố cáo đó lại đúng hoặc đúng một phần. Mà đã liên quan đến đất đai, bất động sản thì đằng sau nó là vấn đề tài sản, vấn đề có thiệt hại trên thực tế, đặt ra trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bởi vậy, theo nhận định của chúng tôi, trong thời gian tới, nếu việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có kỷ cương hơn thì chắc chắn sức ép về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ lớn hơn.
PV: Luật có hiệu lực chưa lâu, các địa phương đã bộc lộ lúng túng trong công tác triển khai thực hiện, theo ông, nguyên nhân là do đâu?
*. Tôi cho rằng nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn kịp thời để bố trí nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường.
Các địa phương không biết bố trí cán bộ chuyên trách hay cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này, nếu bố trí thì xếp ở phòng nào và bố trí cán bộ chuyên trách thì lấy người ở đâu ra vì Luật và Nghị định 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật không quy định nên tỉnh không có cơ sở để xếp biên chế….
Chuyện này không phải chỉ địa phương lúng túng đâu, mà Bộ Tư pháp cũng đang “bí”. Tất cả đều phải chờ Đề án của Chính phủ về việc thành lập cơ quan chuyên trách giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường để gỡ “vướng” cho vấn đề này.
Giải bài toán nhân sự: yêu cầu bức thiết
PV: Có nghĩa là những lúng túng đó sẽ giải quyết được nếu giải được bài toán nhân sự, thưa ông?
*. Trong việc giải quyết trách nhiệm bồi thường Nhà nước, bao giờ cũng nảy sinh những xung đột về mặt lợi ích. Bên phải giải quyết bồi thường thì chỉ mong không phát sinh trách nhiệm, bên được bồi thường thì mong muốn được bồi thường càng nhiều càng tốt.
Bởi vậy, muốn việc triển khai các quy định của Luật được thực hiện một cách chặt chẽ, thống nhất, tránh việc trục lợi thì nhất định yếu tố con người thực thi phải được đảm bảo.
Chúng tôi cũng hy vọng nếu Cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường được thành lập thì đó sẽ là địa chỉ tin cậy cho cả người dân và cán bộ thực thi nhiệm vụ khi gặp những vướng mắc, phát sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)