Tham dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của 10 nước thành viên ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của ASLOM trong việc duy trì triển khai các hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN trong khuôn khổ ALAWMM/ASLOM, trong đó có việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác ASLOM về Xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ; tiếp tục đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về các nội dung thuộc mối quan tâm chung của các bên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp thông qua việc tổ chức các toạ đàm, Diễn đàn Pháp luật ASEAN.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên. |
Đồng thời đánh giá cao sự tham gia tích cực của ASLOM trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN nhằm thảo luận, xử lý các vấn đề liên ngành, liên trụ cột; bày tỏ hy vọng rằng tại các hội nghị tham vấn giữa ASLOM với Nhật Bản và ASLOM với Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế (HccH) lần đầu tiên được tổ chức bên lề ASLOM 20, các nước ASEAN sẽ cùng nỗ lực để thảo luận, hướng tới việc thống nhất các hoạt động hợp tác cụ thể với Nhật Bản và HccH phù hợp với lợi ích chung của ASEAN, ALAWMM/ASLOM, cũng như của mỗi quốc gia thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị, các nước ASEAN đã tích cực thảo luận, trao đổi về một số nội dung chính của Hội nghị. Cụ thể là, rà soát kết quả thực hiện các sáng kiến/đề xuất đã được thông qua từ các kỳ ALAWMM trước bao gồm: nhóm nội dung về thông tin pháp luật (tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN, Chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN, cơ quan đầu mối thông tin pháp luật ASEAN…); nhóm nội dung về tư pháp hình sự (xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ, nghiên cứu khả năng xây dựng Công ước ASEAN về chuyển giao người bị kết án phạt tù, tổ chức Hội nghị ASEAN về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (ACCPCJ).
Nhóm nội dung về pháp luật dân sự, thương mại (sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, hài hoà hoá pháp luật thương mại trong ASEAN, tự do hoá các nghề pháp lý trong ASEAN); phối hợp với Hội Luật gia ASEAN.
Hội nghị đã đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc đề xuất, phối hợp thực hiện nhiều sáng kiến trong hợp tác pháp luật và tư pháp đã được thông qua từ các kỳ ALAWMM trước đây và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết thúc Hội nghị, các nước ASEAN đã thống nhất các nội dung của Thông cáo báo chí để trình ALAWMM 11 xem xét thông qua. |
Bên cạnh đó, xem xét các sáng kiến/đề xuất mới của các nước ASEAN: Đề xuất của Indonesia về việc thành lập Nhóm Công tác thuộc ASLOM nhằm tăng cường sự bảo vệ quyền của ngư dân; Đề xuất của Malaysia về “Tiếp cận công lý trong bối cảnh dịch bệnh”; đề xuất của Thái Lan về “Xây dựng Tuyên bố ASEAN về nâng cao nhạy cảm giới trong việc đối xử đối với tù nhân và tội phạm là nữ giới tại ASEAN” và “Xây dựng Tuyên bố ASEAN về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự”.
Tổ chức tham vấn về hợp tác pháp luật giữa ASLOM với Nhật Bản và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH). Về cơ bản, các nước ASEAN bày tỏ sự nhất trí và ủng hộ với các đề xuất hợp tác với ASLOM của Nhật Bản và HccH, đồng thời thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi sâu hơn về các hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Vụ Hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) lần thứ 11 (27/10/2021).