Bộ Tư pháp yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) và các Cục THADS tỉnh thành phố phổ biến, quán triệt phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thể chế hóa thành các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch công tác năm 2019 của Tổng cục, các Cục, Chi cục THADS và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.
Trước đó, ngày 15/11/2018, tại Hà Nội Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính năm 2019. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đánh giá cao Bộ Tư pháp, hệ thống THADS đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản đề ra của năm 2018. Các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, kết luận của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thi hành án được tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và đạt một số kết quả tích cực, tốt hơn so với 2017.
Những kết quả THADS, hành chính đạt được trong năm 2018 đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, thực thi công lý; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế và có đóng góp vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chỉ ra một số điểm cần lưu ý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Tư pháp và hệ thống THADS cần xác định công tác THADS, hành chính năm 2019 tiếp tục gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và yêu cầu thực thi quyền hiến định và pháp định của việc bảo đảm công lý được thực thi trong thực tế. Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác THA, trong đó Bộ Tư pháp chú trọng, tập trung tham mưu giúp Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thi hành án dân sự để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới;
Tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án trong năm 2019. Ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.
Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan THADS trong công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; Tập trung công tác xây dựng Ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, chỉ đạo, điều hành công tác THADS và thi hành án hành chính.
Đối với các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tư pháp về các vướng mắc phát sinh, chủ trì đề xuất việc báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/2017/QH14, đồng thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xem xét, quyết định việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người phải thi hành án trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất; chỉ đạo các ngân hàng nâng cao chất lượng và tính chính xác của việc thẩm định cho vay.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp thực hiện và phối hợp với các cơ quan Kiểm sát, Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời phát hiện, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản
Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phát hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự về tài sản, tài khoản của đối tượng phạm tội, người vi phạm pháp luật hình sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, góp phần tạo thành sức mạnh của Hệ thống chính trị trong việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tham mưu Chính phủ xác định nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở, kho vật chứng của các cơ quan tư pháp; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS tập trung, kịp thời phối hợp trong việc thực thi pháp luật thi hành án, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác THADS, thi hành án hành chính theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán, phối hợp với các cơ quan tố tụng và cơ quan THADS trong việc xem xét, xử lý, thi hành những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, tài sản do phạm tội mà có.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát và chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính theo quy định tại Điều 315 Luật Tố tụng hành chính, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS trong công tác theo dõi thi hành án hành chính./