Thu hút, tuyển dụng người giỏi
Với sự tăng cường, mở rộng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ trước mắt, cũng như lâu dài trong chiến lược phát triển của ngành Tư pháp.
Thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ của Bộ và ngành Tư pháp trong thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, từng bước đáp ứng được yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy. Đây là những điều kiện quyết định để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Ngoài các chế độ, chính sách chung, xuất phát từ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ mang tính đặc thù của ngành Tư pháp, trong những năm qua, đã có nhiều quy định về các chế độ, định mức đặc thù cho hoạt động của ngành, góp phần tăng thêm thu nhập, bù đắp những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù đòi hỏi trình độ, năng lực, tính chuyên sâu, chuyên môn hoá cao, có tính chất hoàn toàn khác với các hoạt động của chuyên môn theo yêu cầu.
Tuy nhiên, để thực hiện một trong những giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW là: “Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp… Có chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động của cán bộ tư pháp...”, Bộ Tư pháp đang có chủ trương đổi mới cơ chế thu hút, tuyển dụng cán bộ, công chức đến năm 2015 nhằm thu hút người có trình độ, năng lực phù hợp với yêu cầu công việc, vị trí công tác, tâm huyết với nghề nghiệp và các chuyên gia giỏi vào công tác tại các cơ quan thuộc ngành Tư pháp.
Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất và trình độ, chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp trước yêu cầu đặt ra khi nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Không khuyến khích trả lương theo bằng cấp
Mục tiêu đó sẽ được thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, chức năng của Bộ, ngành Tư pháp cũng như “khung” pháp lý hiện hành.
Bộ Tư pháp sẽ xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn các chức danh công chức, viên chức vì sau gần 20 năm áp dụng, các quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính ngành Tư pháp có nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn. Hiện các chức danh tư pháp trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp hiện nay bao gồm các các ngạch công chức THADS, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, giám định viên tư pháp…
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức đối với một số chức danh tư pháp như chấp hành viên, trợ giúp viên pháp lý,… Do đó, để phù hợp với thực tiễn cần tiếp tục sửa đổi tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính ngành Tư pháp như công chứng viên, đấu giá viên, đăng ký viên.
Không chỉ đổi mới cơ chế thu hút mà đổi mới hình thức tuyển chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ cũng là yếu tố quan trọng để “nâng tầm” đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích, thu hút được những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, những người có trình độ, năng lực vào làm việc tại Bộ Tư pháp.
Cơ chế tuyển chọn được thực hiện việc trên cơ sở cụ thể hóa và vận dụng các quy định của Chính phủ phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế của ngành Tư pháp, bảo đảm cho việc tuyển dụng cán bộ đạt được sự công bằng, công khai, minh bạch, thực hiện được dân chủ trong công tác cán bộ; mở rộng và chủ động tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn nhân tài.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS địa phương liên hệ thường xuyên với các cơ sở đào tạo để thực hiện việc phát hiện, có biện pháp khuyến khích hỗ trợ quá trình học tập của sinh viên nhằm “tạo nguồn” cán bộ có chất lượng cho Bộ, ngành Tư pháp, cũng như bổ sung cho các đơn vị có khó khăn về nguồn tuyển dụng, cũng như áp dụng hình thức tuyển dụng đặc thù để tạo điều kiện thu hút nhiều đối tượng có đủ điều kiện vào làm việc trong ngành Tư pháp.
Cùng với các biện pháp đó là đổi mới một số mặt của công tác quản lý cán bộ thông qua công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ngành Tư pháp, cũng như đổi mới công tác đánh giá và khen thưởng đối với cán bộ, tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các đãi ngộ khác đối với cán bộ, cải thiện môi trường làm việc của cán bộ, công chức.
Từng bước thực hiện trả lương theo công việc được giao và kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Không khuyến khích trả lương theo bằng cấp. Trong thời gian trước mắt, triển khai thực hiện mạnh mẽ chính sách tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật nhằm để hỗ trợ, giảm bớt một phần khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của cán bộ, công chức trong ngành.
Bộ cũng dự kiến sẽ kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, xây dựng nhà công vụ cho các cơ quan THADS địa phương, có chế độ đặc thù đối với các đối tượng là công chức được điều động biệt phái đến làm việc tại những nơi vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi có số lượng vụ việc nhiều, khó khăn phức tạp...
Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chế độ chính sách, chế độ đặc thù đối với cán bộ ngành Tư pháp như chính sách thu hút, khuyến khích cán bộ đến công tác tại các cơ quan tư pháp có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chính sách đối với cán bộ xã, chế độ bồi dưỡng theo vụ việc cho tất cả các chức danh tư pháp phù hợp với tính chất công việc…
Huy Anh